Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để có thêm nguồn điện nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa yên tâm và đã chỉ đạo: Không để thiếu điện là mệnh lệnh. Trong ảnh: một góc khu điều hành của Nhà máy thủy điện Thác Mơ (Bình Phước) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nội dung này được đưa ra ngày 25-12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và nhấn mạnh Việt Nam vượt mức tất cả các chỉ tiêu mà Quốc hội giao, tăng trưởng trên 7%, xuất nhập khẩu cán đích 517 tỉ USD... có sự đóng góp của ngành điện, và ông lưu ý "không có điện không thể làm gì".
Không để thiếu điện cho phát triển đất nước trong bất cứ hoàn cảnh nào là mệnh lệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Lợi nhuận của EVN tăng
Thủ tướng đánh giá cao EVN đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là việc xây dựng được nguồn điện lên tới 55.000 MW sau 65 năm. Đảm bảo cơ bản cung ứng đủ điện cho nền kinh tế trong khi nguồn điện EVN chỉ chiếm 54%.
"Bối cảnh thiếu nguồn điện, chạy dầu nhiều nhưng hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế lớn, đạt chỉ tiêu, nộp ngân sách tới 27.000 tỉ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,25 lần" - Thủ tướng nói.
Theo ông Trần Đình Nhân, tổng giám đốc EVN, doanh thu toàn EVN năm 2019 ước đạt 393.230 tỉ đồng, lợi nhuận công ty mẹ - EVN ước đạt 950 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Nhân công nhận tình hình năm 2019 gặp nhiều khó khăn khi khô hạn xảy ra ở hầu hết các khu vực. Đặc biệt nước về các hồ thủy điện lưu vực sông Đà thấp nhất trong 30 năm trở lại đây, nên sản lượng điện suy giảm 16,3 tỉ kWh; sản lượng điện thiếu hụt 4,5 tỉ kWh.
Tổng giám đốc EVN nêu thực tế ngay năm 2019, việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, nguồn khí Đông Nam Bộ suy giảm mạnh, cuối năm giảm còn 16,5 triệu m3/ngày. Nguồn than trong nước không đáp ứng nhu cầu nên phải nhập khẩu, khiến chất lượng thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Ông Nguyễn Đức Cường - giám đốc Trung tâm Điều độ điện quốc gia (A0) - cho biết chi tiết tổng lượng nước tích trong hồ giảm tới hơn 11,21 tỉ m3, tương đương 4,55 tỉ kWh. Nguồn khí cấp cho điện suy giảm, tương đương tới 864 triệu kWh, nên phải huy động chạy dầu. Nhiều nhà máy nhiệt điện than thiếu than và không khả dụng, thiếu hụt tương đương 2,39 tỉ kWh.
Đặc biệt, có 89 nhà máy điện tái tạo được đưa vào vận hành với hơn 4.440 MW, song vẫn có 24 nhà máy ở Bình Thuận và Ninh Thuận hạn chế phát vì nghẽn trên lưới truyền tải.
Đồ họa: TUẤN ANH
Nhiều nguy cơ cho năm 2020
Trong khi đó, ông Cường cho hay nhu cầu điện năm 2020 được tính toán sẽ tăng thêm tới 21,8 tỉ kWh. Với nguồn mới bù đắp được 3.290 MW, chỉ đóng góp được một nửa cho nhu cầu tăng thêm. Do đó, phải khai thác các nguồn đang hiện hữu, như nhiệt điện than tăng rất cao, thêm 10,87 tỉ kWh, cũng như huy động nguồn chạy dầu gấp đôi so với năm 2019 là 3,4 tỉ kWh.
Theo một chuyên gia Bộ Công thương, với việc EVN công bố như trên, lượng điện chạy dầu giá cao phải huy động nhiều như vậy, áp lực lại đè lên giá điện và cuối cùng người dân sẽ phải chi trả.
Ông Cường cũng nhấn mạnh tình hình cung ứng điện năm 2021-2025 tiềm ẩn nhiều rủi ro khi sản lượng điện thiếu hụt được tính toán có thể lên tới 11,8 tỉ kWh năm 2022. Vì vậy, cần đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm, phát triển điện tái tạo và tăng nguồn nhập khẩu.
Nguy cơ thiếu điện một phần lớn do nhiều dự án điện chậm tiến độ. Trong ảnh: tại một dự án nhiệt điện đang được xây dựng - Ảnh: N.AN
Tăng nhập khẩu nhưng phải đảm bảo tự chủ
Trước thực trạng thiếu điện trong dài hạn được chỉ ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự sốt ruột: "Các đồng chí nói đảm bảo, tôi đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng lối ra chưa rõ". Thủ tướng nói bên cạnh việc nhập khẩu điện từ Lào, cần tính toán mua từ phía Bắc để cân đối thêm, nhưng về nền kinh tế hội nhập phải tự chủ, tự cường, nhất là về năng lượng, điện.
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, thông điệp: Không để thiếu điện cho phát triển đất nước trong bất cứ hoàn cảnh nào là mệnh lệnh. Đồng thời yêu cầu EVN cần tính toán cụ thể phương án, làm việc quyết liệt, với tinh thần cao nhất, đưa giải pháp cao nhất, để có nguồn, lưới điện tốt phục vụ phát triển, chứ không phải làm cầm chừng.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phối hợp EVN, các tập đoàn điều hành tốt than, khí đảm bảo cung ứng điện, thiếu khí phải ưu tiên sản xuất điện.
Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực đẩy mạnh thực hiện các dự án điện trọng điểm, cấp bách đang chậm tiến độ. Bộ Công thương, ủy ban phải giải quyết nhanh kiến nghị của các tập đoàn, nhanh chóng triển khai các dự án Long Phú 1, Thái Bình 2... giao ban đôn đốc kiểm tra xử lý, thường xuyên kiểm tra thông tin, có cơ chế xử lý nhanh chóng, không để chậm chạp...
Gắn với đó là đẩy mạnh xã hội hóa các dự án nguồn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương đẩy nhanh triển khai các dự án BOT đang làm. Ông cho biết Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân các dự án lưới điện để đẩy nhanh tiến độ lưới truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy năng lượng tái tạo.
Để thực hiện có hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu EVN đẩy mạnh thực hiện cơ cấu sắp xếp lại tập đoàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, xây dựng ngành điện tự cường trong hội nhập, tiết kiệm chi phí, ứng dụng khoa học công nghệ tốt hơn...
393.230tỉ đồng
Đó là tổng doanh thu của EVN năm 2019, tăng 14,3% so với năm 2018, trong đó doanh thu bán điện là 387.675 tỉ đồng, tăng 16,4%.
19 dự án nguồn điện gặp khó do quá tải lướiCó nhà máy nhưng để đưa điện tới dân, phải cần lưới điện truyền tải. Dù Việt Nam có nguy cơ thiếu điện nhưng điều đáng nói là nhiều nhà máy lại gặp khó trong phát huy tối đa công suất do... lưới điện không đủ để truyền tải.
Theo EVN, tập đoàn này đã đảm bảo giải tỏa gần 4.200/4.880 MW các nguồn điện tái tạo vào vận hành.
Tuy nhiên, do một số công trình lưới điện không đáp ứng tiến độ đưa vào đồng bộ nên xảy ra tình trạng quá tải lưới điện đối với 19 dự án nguồn điện (670 MW) tại hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận