Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải) tiếp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Dinh Istana ngày 25-4 - Ảnh: REUTERS
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng nay 26-4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam-Singapore. Đây là diễn đàn quy mô lớn với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu, trong đó có lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng cho rằng sau 5 năm trở thành đối tác chiến lược, quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam - Singapore cần có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn về kinh tế, thương mại và đầu tư, xứng đáng với quan hệ chính trị tốt đẹp hai nước.
Việc có sự tham dự của khoảng 700 đại biểu tại Diễn đàn đã cho thấy các địa phương và doanh nghiệp hai nước thực sự quan tâm đến cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Singapore Douglas Foo phát biểu tại Diễn đàn đánh giá Việt Nam đang dần trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại châu Á. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Singapore, nhất là đối với các ngành như điện tử dân dụng, may mặc, sản xuất lương thực, cung ứng các dịch vụ phụ trợ như tự động hóa và logistics.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Singapore, ông Douglas Foo bày tỏ mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ Việt Nam tiếp tục ủng hộ các dự án đầu tư hiện nay và trong tương lai của Singapore vào Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia và Tài chính Singapore ông Lawrence Wong đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, tạo không gian phát triển lớn hơn cho nền kinh tế. Ông Lawrence Wong cho biết, ngày càng có nhiều doanh nhân và người dân Việt Nam muốn đến đầu tư kinh doanh, du lịch và học tập tại Singapore.
Bộ trưởng nhấn mạnh 3 lĩnh vực hai bên có thể hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước đó là: Năng lượng, dầu khí, xây dựng thành phố thông minh.
Nhấn mạnh với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore đã đưa ra đề xuất xây dựng mạng lưới Thành phố thông minh và Việt Nam đã hưởng ứng ý tưởng này. Nhiều thành phố của Việt Nam có định hướng xây dựng thành phố thông minh, nâng cao hiệu quả quản lý giao thông, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu,… đây đều là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp của Singapore có năng lực và kinh nghiệm.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu về Việt Nam: "Nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về mặt địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực".
Thủ tướng cho rằng, câu nói này vẫn luôn là niềm động viên chân thành đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nền tảng thiết thực trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore, với sự kiện từ năm 1992 cố Thủ tướng Nguyễn Quang Diệu đã ủng hộ, tạo điều kiện cho việc xây dựng Khu VSIP ở tỉnh Bình Dương và hiện đã có nhiều khu VSIP thành công ở Việt Nam.
Sau 5 năm trở thành đối tác chiến lược, Singapore đã có trên 2.000 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn trên 43 tỉ USD, thương mại hai chiều gần 8,5 tỉ USD. Dù dân số không đông nhưng có tới 280.000 khách du lịch Singapore đến Việt Nam với hàng chục chuyến bay giữa hai nước.
Việt Nam có gần 100 dự án đầu tư tại Singapore với trên 200 triệu USD. Điều đó cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đã có bước tiến đáng mừng.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cuối năm ngoái, Việt Nam xếp 68/190 quốc gia, tăng 30 bậc so với năm 2010. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp Việt Nam đứng thứ 55/137 quốc gia. Thủ tướng cho biết, các doanh nghiệp nhiều nước đang đầu tư ở Việt Nam đều có lãi và tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư kinh doanh ở Việt Nam ngày càng lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng năng suất, đổi mới sáng tạo, chủ động tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận