28/06/2019 11:26 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu dự Hội nghị Cấp cao G20

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Hội nghị Cấp cao G20 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đã khai mạc sáng nay (28-6) tại TP Osaka (Nhật). Các thảo luận về kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư sẽ diễn ra trong ngày hôm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu dự Hội nghị Cấp cao G20 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đón và chụp ảnh chung cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi khai mạc Hội nghị Cấp cao G20 sáng 28-6 - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao G20 với tư cách khách mời của nước chủ nhà.

Hội nghị khai mạc với sự tham gia của các nguyên thủ/lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới và 8 quốc gia khách mời, cùng với lãnh đạo 9 tổ chức quốc tế quan trọng của thế giới như Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). 

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu sẽ thảo luận về kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư trong lúc dùng bữa trưa. 

Sau đó, các đại biểu sẽ tham dự sự kiện bên lề về kinh tế số và dự kiến sẽ thông qua việc thiết lập Osaka Track, một khuôn khổ cho các cuộc thảo luận đa phương hướng tới xây dựng các quy tắc về quản trị dữ liệu trong nền kinh tế số. 

Phiên họp thứ 2 sẽ diễn ra vào chiều cùng ngày với chủ đề về đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu dự Hội nghị Cấp cao G20 - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) cùng các nguyên thủ/lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao G20 chụp ảnh chung trước giờ khai mạc sáng 28-6 - Ảnh: REUTERS

Ngày làm việc thứ hai sẽ bắt đầu bằng một sự kiện bên lề với chủ đề về tăng cường vai trò của phụ nữ. Tại đây, một số tổ chức liên quan sẽ đệ trình các đề xuất liên quan tới việc trao quyền cho phụ nữ lên các nguyên thủ/lãnh đạo G20. 

Sau đó, các đại biểu sẽ tham gia hai phiên họp liên tiếp về các chủ đề: Phát triển bền vững; Biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ dự tất cả các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao G20.

Hội nghị dự kiến kết thúc vào chiều 29-6 với việc thông qua tuyên bố chung. Sau đó, với tư cách chủ tọa, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chủ trì cuộc họp báo để thông báo về kết quả của Hội nghị. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu dự Hội nghị Cấp cao G20 - Ảnh 3.

Các nguyên thủ/lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao G20 chụp ảnh chung trước giờ khai mạc sáng 28-6 - Ảnh: REUTERS

Bên lề hội nghị sẽ diễn ra hàng loạt cuộc gặp và tiếp xúc song phương giữa các nguyên thủ/nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên G20 và các quốc gia khách mời. 

Về phía Nhật, Thủ tướng Abe có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày 28-6 và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 29-6 cùng với một loạt cuộc gặp song phương khác.

Bên lề hội nghị, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và những người đồng cấp của Canada, Úc cùng với một số cuộc tiếp xúc song phương khác, tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhiều doanh nghiệp, tổ chức của Nhật Bản. 

Kết thúc hội nghị G20, Thủ tướng dự kiến có chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 30-6 đến ngày 1-7.

Trong sáng 28-6, tại Osaka, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo gần 30 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Nhật Bản như Hitachi, Toshiba, Hanwa, Daikin, Anna, Fujitsu, Kajima, Mazda Motor, Kansai Economy…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu dự Hội nghị Cấp cao G20 - Ảnh 4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp gỡ với các tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản - Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ của Nhật Bản tham dự buổi làm việc. 

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang duy trì ổn định xã hội và tăng trưởng cao liên tục trong thời gian qua. Đây là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. 

Cùng với đó, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ chiếm đa số, tầng lớp trung lưu đang không ngừng tăng cao, đến năm 2030 chiếm trên 50% dân số Việt Nam, với sự thích nghi nhanh chóng việc ứng dụng công nghệ. 

Những điều này đã tạo nên một thị trường sức mua hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. 

Không chỉ vậy, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; có quan hệ với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, ngày 30-6 tới đây, Việt Nam sẽ ký Hiệp định thương mại tự do EVFTA với Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam cũng đã ký kết FTA với 15 nước trong nhóm các quốc gia G20.

Việt Nam là khách mời đặc biệt của hội nghị G20

TTO - Chiều 27-6, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Kansai ở TP Osaka, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20.

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp