Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi tại Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng |
Chủ quyền lãnh thổ, Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc là vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chọn trả lời chất vấn sau khi trình bày báo cáo giải trình khá dài về nhiều vấn đề.
Tiếp tục kiên định, kiên trì
Các đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Lê Nam (Thanh Hóa), Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) hỏi về các nội dung khác nhau liên quan đến chủ quyền Biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng có câu trả lời chung.
Thủ tướng cho biết: “Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày với Quốc hội. Lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là rõ ràng, nhất quán, cơ bản phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với những vấn đề mà các đại biểu đã nêu”.
Theo Thủ tướng, “chúng ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả lĩnh vực, đồng thời chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, các cam kết khu vực, nhất là DOC, đó là tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông”.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta, gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta”.
“Công đoàn độc lập” theo cam kết TPP
Đây là vấn đề được các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) chất vấn. Chuẩn bị bằng văn bản, Thủ tướng giải thích: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy định nội dung về lao động, nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO, những nội dung chính về lao động trong TPP đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động thì hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ, cơ bản là phù hợp.
Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động theo TPP, Thủ tướng cho biết: “Việt Nam và tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của họ tại cơ sở doanh nghiệp. Các tổ chức này sau khi thành lập có thể lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động, và chỉ được hoạt động sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật”.
Theo kết quả đàm phán giữa Việt Nam và 11 thành viên trong TPP, riêng Việt Nam được có thời gian chuẩn bị năm năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, tức khoảng bảy năm kể từ khi ký hiệp định, để thực hiện cam kết này.
Sao lấy tiền thuế của dân bồi thường oan, sai? Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn của một đại biểu Quốc hội là ông Trần Du Lịch (TP.HCM). Một trong các vấn đề ông Lịch nêu ra là: “Lỗi cá nhân hay lỗi công vụ trong xử lý oan, sai thì bồi thường có phân biệt không? Hay cứ lấy tiền ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân để bồi thường cho xử lý oan, sai? Việc này luật có cần bổ sung gì không?”. Theo Chủ tịch Quốc hội, các luật liên quan đến bồi thường hiện đã phân biệt khá rõ về trách nhiệm bồi thường của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử; cũng đã phân biệt khá rõ các lỗi của cá nhân gây nên là do cố ý hay do trình độ, năng lực. “Nếu cố ý làm sai còn bị xử lý hình sự chứ không chỉ bồi thường, tôi thấy luật của Quốc hội ban hành quy định như vậy tương đối đủ, rõ ràng, nên bây giờ tôi thấy chưa cần phải đề xuất với Quốc hội về việc bổ sung luật này. Trong quá trình nghiên cứu, làm nếu có vấn đề gì xuất hiện thì chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu thêm” - Chủ tịch Quốc hội nói. |
Còn trả lời dài, chưa đi vào trọng tâm Phát biểu kết thúc hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết có 54 lượt đại biểu phát biểu thảo luận và đặt câu hỏi chất vấn, trong đó có 18 đại biểu đặt 27 câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, 1 đại biểu có câu hỏi đối với Chủ tịch Quốc hội, 6 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đối với các phó thủ tướng Chính phủ, 7 đại biểu đặt câu hỏi đối với chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao và có khoảng 140 câu hỏi đối với các bộ trưởng, trưởng ngành. “Do đây là cách làm mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi những điểm còn bất cập như việc chuẩn bị các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao để trình bày tại hội trường vẫn còn dài hơn so với quy định; một số báo cáo và trả lời chất vấn chưa nêu rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và thiếu giải pháp đột phá để tạo chuyển biến rõ hơn trong thời gian tới. Đa số thành viên Chính phủ đã nắm rõ vấn đề và trả lời đúng yêu cầu của đại biểu Quốc hội, nhưng còn có bộ trưởng, trưởng ngành trả lời còn dài, không đi vào trọng tâm, chưa thỏa mãn đại biểu Quốc hội” - ông Sơn nhận xét. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận