31/07/2023 11:42 GMT+7

Thủ tướng nêu quan điểm về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Sáng 31-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã - Ảnh: VGP

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã - Ảnh: VGP

Hội nghị của Chính phủ nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là cần thiết

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác.

Tuy vậy, trước yêu cầu phát triển của đất nước, người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là cần thiết.

Theo ông, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn quy định sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, không khai thác được hết tiềm năng, chia cắt không gian phát triển.

Việc này cũng góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên ông lưu ý quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thể gây xáo trộn cả trong hoạt động của các đơn vị hành chính và ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.

Do đó, các cấp, ngành phải quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sao cho linh hoạt, hợp lý; bảo đảm bộ máy hành chính vẫn hoạt động trơn tru.

Đặc biệt sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ dôi dư nhân lực, cơ sở vật chất, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.

Kinh nghiệm cho thấy nơi nào, chỗ nào thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng thì công việc suôn sẻ, nếu không thì sẽ gây ắch tắc, chậm trễ.

“Công việc thì nhiều, thời gian thì ít, yêu cầu thì cao, nguồn lực thì có hạn. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, tập trung và hiệu quả. Các ngành, địa phương cần chia sẻ những kinh nghiệm quý, bài học hay, cũng như nêu các khó khăn có thể lường trước, đưa ra các giải pháp phù hợp để khắc phục trong quá trình thực hiện”, Thủ tướng chỉ rõ.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe giới thiệu nội dung các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Hội nghị cũng được nghe hướng dẫn các bước sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc rà soát, thực hiện điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; việc điều chỉnh địa giới hành chính; việc quản lý tài chính, biên chế…

Lấy ý kiến cử tri khi sắp xếp lại

Theo nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm những nơi có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030, sáp nhập huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết 117 về kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu đến năm 2024 phải hoàn thành việc sắp xếp những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp của giai đoạn này.

Song song với đó, cần tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức. Năm 2025, Chính phủ nêu mục tiêu tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có đơn vị mới hình thành sau sáp nhập.

Đáng chú ý, để đảm bảo đồng thuận, Chính phủ nhấn mạnh phải tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan.

Nếu kết quả lấy ý kiến cử tri chưa đạt trên 50% đồng thuận, UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động cử tri và căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức lấy ý kiến cử tri lần thứ 2.

Trường hợp lấy ý kiến cử tri lần thứ 2 vẫn chưa đạt trên 50% tổng số cử tri đồng thuận, UBND cấp tỉnh cần báo cáo Chính phủ đề xuất sắp xếp các huyện, xã này trong giai đoạn 2026-2030.

Theo số liệu báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1.300 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Những vấn đề sau sáp nhập đơn vị hành chínhNhững vấn đề sau sáp nhập đơn vị hành chính

TTCT - Những bài toán nêu ra sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính không chỉ là với cơ quan công quyền, mà quan trọng hơn là làm sao đảm bảo dịch vụ công cho người dân đóng thuế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp