Ngày 13-5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gửi thư xin từ chức từ ngày 15-5 lên Tổng thống nước này Tharman Shanmugaratnam. Trong lá thư trên, ông Lý đề xuất ông Shanmugaratnam mời Phó thủ tướng đương nhiệm Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) làm lãnh đạo Chính phủ Singapore thay mình.
Trước thời điểm chuyển giao quyền lực quan trọng của Singapore hôm nay 15-5, người ta lại nhắc nhiều về những đóng góp quan trọng của ông Lý Hiển Long đối với đảo quốc này.
Và có lẽ từ nay về sau, ông Lý Hiển Long sẽ được nhắc đến trong nhóm “những người khổng lồ gánh đất nước trên vai” - những người gầy dựng Singapore của hôm qua, hôm nay và mai sau.
Đưa Singapore lên một tầm cao mới
Vào thời điểm ông Lý Hiển Long lên nắm quyền năm 2004, Singapore không còn là một làng chài lạc hậu như thời của cha ông - Thủ tướng Lý Quang Diệu, cũng là nhà sáng lập Singapore. Singapore thời ông Long nắm quyền đã trở thành hình mẫu truyền cảm hứng về một quốc gia thuộc địa nhỏ bé “tái sinh từ đống tro tàn”.
Nếu ông Lý Quang Diệu là người kiến tạo đất nước Singapore hiện đại, ông Ngô Tác Đống tiếp tục trọng trách chuyển đổi nền kinh tế thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực thì ông Lý Hiển Long lại gánh vác sứ mệnh đưa Singapore lên một tầm cao mới.
Thủ tướng Lý Hiển Long xem sự đổi mới và tư duy khởi nghiệp là chất xúc tác quan trọng đóng góp mạnh mẽ cho sự tăng trưởng quốc gia.
Với tầm nhìn của người đứng đầu đất nước, ông Lý Hiển Long đã giúp đảo quốc sư tử khẳng định được vị thế của mình khi là nơi đặt trụ sở châu Á của các tập đoàn đa quốc gia, thu hút vốn đầu tư khổng lồ từ các nhà tư nước ngoài.
Ông Lý Hiển Long hiểu rõ bất kỳ một quốc gia thịnh vượng nào cũng có thể bị lãng quên, vì vậy thủ tướng Singapore đã khởi động hàng loạt dự án thúc đẩy tư duy đổi mới, mở ra kỷ nguyên phục hưng kinh tế cho Singapore.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Lý Hiển Long, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore năm 2023 đạt 443 tỉ USD, tăng gấp ba lần so với 143 tỉ USD vào năm 2004.
Xây dựng xã hội tiến bộ
Nếu mục tiêu đưa Singapore lên tầm cao mới có vai trò then chốt trong việc định vị đảo quốc sư tử trên bản đồ thế giới thì chính sách xây dựng xã hội tiến bộ lại là một trong những chiến lược có tác động lớn nhất đến người dân Singapore.
Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào năm 2004, Thủ tướng Lý Hiển Long từng tuyên bố: “Chúng ta là một dân tộc, cùng xây dựng tương lai. Mọi cộng đồng đều sẽ tiến bộ và không ai bị bỏ mặc phía sau”.
Đây là một lời cam kết đầy sức nặng trong bối cảnh đất nước đối mặt với muôn vàn thách thức vào thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Singapore.
Bằng tất cả sự can đảm và lòng nhiệt thành, ông Lý Hiển Long từng bước đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo, thông qua các mô hình cải cách tiền lương hay kế hoạch cải thiện sinh kế cho người dân.
Ông Lý Hiển Long cũng ban hành một loạt chính sách nhằm cải thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ những người yếu thế và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Ngoài ra, tiếp nối tư tưởng của những người tiền nhiệm, ông Lý Hiển Long xem giáo dục là một trong những động lực để tạo ra cơ hội việc làm và nâng cao dân trí.
Tuy nhiên, với tư tưởng khai phóng của một du học sinh được tiếp nhận nền giáo dục phương Tây, thủ tướng Singapore luôn đi đầu trong việc cải cách giáo dục sâu rộng, giúp hệ thống giáo dục Singapore sánh vai với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Hãng tin Bloomberg nhận định Thủ tướng Lý Hiển Long đã làm rất tốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo công bằng xã hội. Có thể nói, ông Lý đã tạo ra một Singapore hài hòa và công bằng hơn dưới nhiệm kỳ của mình.
Phương châm ngoại giao trung lập, làm bạn với tất cả các quốc gia
Trong một bài phát biểu vào năm 2015, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh những phương châm ngoại giao nhất quán xuyên suốt lịch sử Singapore trong 50 năm qua.
Cụ thể, các phương châm trên bao gồm giữ gìn hòa bình thế giới, thúc đẩy trật tự quốc tế nơi các quốc gia tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, thiết lập mạng lưới đối tác và đồng minh có lợi cho Singapore, đảm bảo an ninh và sự ổn định tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung, quan trọng nhất là bảo vệ chủ quyền và quyền tự quyết của Singapore.
Tương tự như chính sách ngoại giao “cân bằng năng động” (dynamic equilibrium) của Indonesia, tờ Korea Times nhận định chiến lược ngoại giao hàng đầu của Singapore là “trung lập và không gây thù hằn” với bất kỳ bên nào.
Đây chính là lý do giúp Singapore duy trì quan hệ ngoại giao ổn định và hài hòa với Mỹ và Trung Quốc, Trung Quốc và Đài Loan hay Mỹ và Triều Tiên trong một thời gian dài.
Dưới thời ông Lý Hiển Long, nền ngoại giao của Singapore đã đạt được những thành tựu nhất định trên trường quốc tế. Phương châm đối ngoại của Singapore dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long được thể hiện rất rõ qua hai cuộc gặp gỡ tiêu biểu trong lịch sử.
Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tại Singapore. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của hai bờ eo biển Đài Loan kể từ năm 1949.
Năm 2018, cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã trở thành một dấu son quan trọng trong lịch sử ngoại giao Singapore khi kết thúc tốt đẹp bằng một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh việc được lựa chọn để trở thành nước chủ nhà cho các hội nghị thượng đỉnh phản ánh mối quan hệ của Singapore với các bên tham gia, đồng thời ít nhiều khẳng định vị thế của Singapore trong cộng đồng quốc tế.
Dẫn dắt đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng
Năm 2008, thế giới bước vào cuộc Đại suy thoái - chỉ 4 năm kể từ khi Thủ tướng Lý Hiển Long nhậm chức vào năm 2004. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng và Singapore cũng không phải ngoại lệ.
Giới quan sát nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế là phép thử cho khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Lý. Ông Lý Hiển Long đã dẫn dắt đất nước từng bước thoát khỏi khủng hoảng bằng ý chí kiên định và quyết tâm ngăn chặn các thảm họa tài chính ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Bất chấp nền kinh tế toàn cầu gần như “chạm đáy”, Singapore nhanh chóng phục hồi và trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới nhiều năm liền, với mức tăng trưởng ấn tượng lên đến 14,7% vào năm 2010 - chỉ một năm sau khủng hoảng.
Hơn một thập kỷ sau, nhân loại tiếp tục đối mặt với đại dịch COVID-19. Trong quãng thời gian đen tối mà thế giới phải “oằn mình” đối phó với đại dịch, Thủ tướng Lý Hiển Long đã thông qua 8 khoản ngân sách chưa từng có trong lịch sử và đoàn kết cùng người dân vượt qua thời kỳ khủng hoảng.
Nhờ vào sự lãnh đạo tài tình của Thủ tướng Lý, Singapore đã vượt qua 2 cuộc khủng hoảng lớn trong thế kỷ 21, tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình trên bản đồ thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận