13/05/2021 17:10 GMT+7

Thủ tướng kiểm tra phòng chống dịch ở 2 bệnh viện: ĐH Y dược, Chợ Rẫy

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm và kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là hai bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh phía Nam.

Thủ tướng kiểm tra phòng chống dịch ở 2 bệnh viện: ĐH Y dược, Chợ Rẫy - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu làm việc với Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đầu giờ chiều 13-5, ngay sau buổi làm việc với UBND TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến thăm và kiểm tra công tác phòng chống dịch tại hai bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM là Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. Cùng tháp tùng Thủ tướng còn có Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. 

Lấy người bệnh làm trung tâm

PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc - giám đốc Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - chia sẻ đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện rất "vui mừng, vinh dự" khi là bệnh viện đầu tiên (mô hình viện - trường) được Thủ tướng ghé thăm.

Báo cáo với Thủ tướng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc khẳng định phương châm hoạt động của bệnh viện là "lấy người bệnh làm trung tâm, can thiệp tối thiểu, hiệu quả tối đa". Đến nay bệnh viện có gần 4.000 nhân sự với quy mô 1.000 giường, có 80 phòng khám ngoại trú và 22 phòng mổ. 

Ngoài ra, bệnh viện có hơn 44 chuyên khoa sâu thực hiện thăm khám, điều trị toàn diện, đa mô thức cho người dân 63 tỉnh thành với lượng bệnh ngoại trú đạt 7.000 lượt khám/ngày (một ngày có khoảng 14.000 người cả bệnh nhân và người nhà ra vào bệnh viện). 

"Và trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bệnh viện có nhiều nhân viên y tế chi viện cho Đà Nẵng, Quảng Nam và bây giờ đơn vị đang có 210 nhân viên y tế nộp đơn sẵn sàng ra tuyến đầu chống dịch", ông Bắc chia sẻ.

Về công tác phòng chống dịch COVID-19, PGS Nguyễn Hoàng Bắc khẳng định khi dịch bệnh xảy ra, bệnh viện đã chủ động chuẩn bị rất nhiều về nhân lực, vật lực; đưa ra rất nhiều phương án về chuyên môn, kiến thức phòng chống dịch nghiêm chỉnh, thực hiện đúng, đủ, kịp thời chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế, UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM.

Ông nêu 14 giải pháp, trong đó có xây dựng kế hoạch và diễn tập các tình huống có ca F0 hoặc F1 trong khuôn viên bệnh viện; tổ chức sàng lọc, phân luồng, khai báo y tế 100% người vào bệnh viện; tập huấn cho toàn bộ nhân viên sẵn sàng tham gia công tác phòng và điều trị cho bệnh nhân COVID-19; tổ chức khu vực cách ly và mỗi khoa lâm sàng đều có 1 phòng cách ly, sẵn sàng trong trường hợp có ca nghi nhiễm...

Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức phòng xét nghiệm đạt chuẩn xét nghiệm xác định ca dương tính với năng lực xét nghiệm Real Time PCR là 2.000 mẫu/ngày và đã hỗ trợ HCDC xét nghiệm cho gần 7.300 mẫu. Định kỳ 7-14 ngày bệnh viện tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên nhóm nhân viên y tế, người bệnh có nguy cơ cao. 

Thủ tướng kiểm tra phòng chống dịch ở 2 bệnh viện: ĐH Y dược, Chợ Rẫy - Ảnh 2.

Sau khi làm việc với Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, Thủ tướng tiếp tục làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cho rằng vấn đề căng thẳng nhất với bệnh viện hiện nay là quá tải (20 bệnh nhân phải chuyển qua các cơ sở y tế khác/ngày), PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc mong muốn Chính phủ, UBND TP.HCM có cơ chế thoáng để bệnh viện có nhiều hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác, đầu tư nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất và dịch vụ khám chữa bệnh. 

"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là UBND TP.HCM tạo điều kiện để bệnh viện mua hoặc giao hoặc thuê một mảnh đất nào đó để có diện tích đất xây dựng cơ sở, nhân rộng mô hình viện - trường như hiện nay" - PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ gửi lời tri ân, cảm ơn đến tất cả lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có đội ngũ thầy thuốc cả nước suốt thời gian qua hết sức trách nghiệm với một tinh thần yêu nước, tinh thần thầy thuốc như mẹ hiền. Qua đó góp phần đầy lùi 3 đợt dịch lớn trước đó, và lần này đây đang tích cực ngăn chặn đợt dịch thứ 4.

Phân tích nhiều nguyên nhân xảy ra dịch tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định so với các nước, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Và tư tưởng chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ ta là với tinh thần "bảo vệ lợi ích nhân dân là trên hết", trong đó đặc biệt bảo vệ sức khỏe của nhân dân. "Không vì phát triển kinh tế mà hi sinh sức khỏe của nhân dân. Do đó phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng chống dịch và phát triển đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Ông nói rằng muốn chuyển từ trạng thái "phòng ngự sang tấn công" thì phải phòng thủ tốt, bằng việc tăng cường huy động mọi nguồn lực xét nghiệm trên diện rộng, từ đó phát hiện sớm, cách ly nhanh và điều trị tích cực. Xây dựng các kịch bản ứng phó với các nguy cơ có thể xảy ra; tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế, bệnh viện dã chiến, song song việc đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn vắc xin và sản xuất vắc xin.

Ngoài ra, ông cho rằng các cấp chính quyền cần phải nhanh chóng ổn định tình hình; tăng cường phân cấp, phân quyền (tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn ấp lo cho thôn ấp và mỗi nguời phải ý thức lo cho bản thân mình) và đặc biệt là: "Không được nóng vội mà phải hết sức tỉnh táo, bản lĩnh để chống dịch", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng đánh giá cao các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, đặc biệt là chủ động đào tạo, tập huấn phòng dịch cho nhân viên. Tuy vậy, Thủ tướng nhắc nhở bệnh viện cần phải thực hiện các giải pháp này nhuần nhuyễn sát với thực tế, tránh tình trạng "tập huấn thì hay, khi vào thực tế lại không làm được". 

Dẫn chứng sự cố tại Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội), Thủ tướng khẳng định "có sự chủ quan trong bệnh viện, trong đội ngũ nhân viên y tế" và lưu ý Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM với một lượng bệnh cực lớn như thế tuyệt đối không được chủ quan trong phòng chống dịch.  

Xây dựng phương án phong tỏa cả bệnh viện 

TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết với vai trò là bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt, ngoài công tác chăm sóc, điều trị, phòng ngừa COVID-19 tại bệnh viện, đơn vị còn thiết lập các đội phản ứng nhanh liên tục “chi viện” hỗ trợ các tỉnh thiết lập bệnh viện dã chiến, phòng hồi sức điều trị bệnh nhân nặng. 

Thủ tướng kiểm tra phòng chống dịch ở 2 bệnh viện: ĐH Y dược, Chợ Rẫy - Ảnh 3.

Thủ tướng làm việc tại Bệnh vịên Chợ Rẫy - Ảnh: BVCC

Để phòng ngừa COVID-19 hiệu quả, đơn vị chủ động thiết lập khu cách ly cho nhân viên, xây dựng các phương án, các tình huống cách ly một khoa, nhiều khoa, thậm chí phong tỏa cả bệnh viện. 

Đặc biệt việc áp dụng chuyển đổi số như khám bệnh bằng thẻ, đăng ký khám bệnh qua app và không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử… góp phần tránh những trường hợp tụ tập đông người và đảm bảo được khoảng cách, an toàn phòng chống dịch COVID-19. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò của Bệnh viện Chợ Rẫy không chỉ điều trị cho bệnh nhân của TP.HCM mà còn cho cả phía Nam và cả nước. 

“Bệnh viện đã khẳng định được y hiệu của mình, đặc biệt trong vai trò hợp tác quốc tế cũng đã tạo được tiếng vang với các nước trên khu vực và thế giới. Sau khi xuất hiện dịch COVID-19, Chợ Rẫy lại là tuyến cuối điều trị tích cực, chăm sóc cho những bệnh nhân nặng, nhạy cảm nhất”, Thủ tướng nói. 

Ghi nhận, biểu dương nỗ lực mà Bệnh viện Chợ Rẫy đạt được trong suốt 120 hình thành phát triển, Thủ tướng đề nghị đơn vị cần tiếp tục nêu cao trách nhiệm, cá thể hóa vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân. Kịp thời khen thưởng và xử phạt công minh, tiếp tục cùng nhân dân vượt qua khó khăn của đại dịch này trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặc biệt tránh hình thức phô trương.

Tự chủ không được "bỏ rơi" người bệnh

Hoan nghênh tinh thần tự chủ của bệnh viện, Thủ tướng lưu ý không vì tự chủ lại quên mất, "bỏ rơi" người bệnh. "Bệnh viện nói lấy người bệnh làm trung tâm, tôi xin bổ sung thêm mấy ý là lấy cơ sở y tế là nền tảng, thầy thuốc làm động lực, là người truyền cảm hứng, tạo nên niềm tin cho bệnh nhân", Thủ tướng gửi gắm.

Ngành y tế TP.HCM ra Ngành y tế TP.HCM ra 'tối hậu thư' 10 việc các giám đốc bệnh viện cần làm ngay để ứng phó với dịch

TTO - 10 việc ‘cần làm ngay’ này được ngành y tế TP.HCM đưa ra từ việc một số bệnh viện đã bị phong tỏa do dịch bệnh lây lan trong bệnh viện, và qua kiểm tra đột xuất các bệnh viện về công tác phòng chống dịch COVID-19.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp