Sáng 2-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, chủ trì phiên họp lần thứ 5 của ban chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết COP26 đã được làm tốt. Chúng ta vẫn thúc đẩy được tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát và thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Huy động mọi nguồn lực để chuyển đổi xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến ngày càng phức tạp, hậu quả ngày càng lớn, khắc phục mất nhiều công sức, tiền của. Do đó, ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách mà không nước nào có thể tự làm một mình.
Việc góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng là việc không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc và làm phải có hiệu quả.
Đánh giá nhiều kết quả đạt được, song Thủ tướng cho rằng việc tham gia thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng còn chưa đồng đều. Các nhóm công tác hỗ trợ thực hiện JETP đã được thành lập nhưng chậm triển khai thực hiện.
Các chính sách, quy định liên quan các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, chuyển đổi năng lượng nhìn chung còn hạn hẹp so với yêu cầu phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Vì vậy cần huy động mọi nguồn lực để toàn xã hội, toàn dân vào cuộc.
Trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư là rất quan trọng.
Mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia, thực hiện và hưởng thụ thành quả; vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân.
Hoàn thiện thể chế, chính sách và cơ chế thu hút nguồn lực
Các nhóm nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực, đặc biệt là hợp tác công-tư, nguồn lực ngoài nhà nước và sử dụng hiệu quả.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng các phương thức quản trị mới. Quản lý chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, nguồn nhân lực chất lượng cao...
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ hình thành và phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch. Trong đó có phát triển công nghiệp phụ trợ, trang thiết bị để sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, hydrogen xanh, amoniac xanh…
Để thực hiện, Thủ tướng yêu cầu các bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được giao.
Trong đó cần xác định trong đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả hội nghị COP26 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc thực hiện phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt phù hợp tình hình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận