11/04/2024 11:55 GMT+7

Thủ tướng Hàn Quốc và 3 quan chức cấp cao từ chức, chính phủ có nguy cơ 'vịt què'

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo cùng 3 quan chức cấp cao khác, trong đó có Chánh văn phòng Tổng thống Lee Kwan Seop, đã xin từ chức sau khi phe đối lập giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 10-4.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Quốc hội ở nước này hôm 5-4 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Quốc hội ở nước này hôm 5-4 - Ảnh: REUTERS

"Tôi sẽ chấp nhận ý nguyện của nhân dân được bày tỏ trong cuộc tổng tuyển cử và sẽ cố gắng cải cách chính quyền, cũng như cố gắng hết sức để ổn định nền kinh tế và cải thiện sinh kế người dân", Chánh văn phòng Tổng thống Lee Kwan Seop truyền đạt lại lời của Tổng thống Yoon Suk Yeol trong cuộc họp báo ngày 11-4.

Thủ tướng Hàn Quốc xin từ chức

Trước đó, theo Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, với gần 100% số phiếu đã kiểm, Đảng Dân chủ Hàn Quốc và các đảng đồng minh được xác định đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc ngày 10-4.

Thủ tướng Hàn Quốc và 3 quan chức cấp cao từ chức

Theo tính toán của Yonhap, Đảng Dân chủ Hàn Quốc dự kiến giành được 161/254 ghế tranh cử trực tiếp, trong khi Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) chỉ giành được 90 ghế.

Tính cả số ghế theo tỉ lệ đại diện đảng, Đảng Dân chủ Hàn Quốc và đồng minh giành được 176 ghế, bỏ xa 108 ghế của PPP và đồng minh. Đó là còn chưa kể số ghế của các đảng đối lập khác, trong đó có Đảng Tái thiết Hàn Quốc của ông Cho Kuk dự kiến giành được 12 ghế.

Quốc hội Hàn Quốc chỉ có 300 ghế, đồng nghĩa cơ quan lập pháp này sẽ do phe đối lập kiểm soát.

Lãnh đạo PPP cầm quyền Han Dong Hoon tại cuộc họp báo ngày 11-4 để thông báo từ chức, sau thất bại của đảng trong bầu cử - Ảnh: AFP

Lãnh đạo PPP cầm quyền Han Dong Hoon tại cuộc họp báo ngày 11-4 để thông báo từ chức, sau thất bại của đảng trong bầu cử - Ảnh: AFP

Kết quả đáng thất vọng này đã đẩy một loạt quan chức cấp cao trong PPP và chính quyền Tổng thống Yoon đi đến quyết định từ chức.

Lãnh đạo PPP, ông Han Dong Hoon, là người đầu tiên mở màn với thông báo từ chức ngày 11-4 và xin nhận trách nhiệm vì không giúp đảng cầm quyền giành được thế đa số tại Quốc hội. Cựu bộ trưởng tư pháp lãnh đạo chiến dịch bầu cử của PPP từ cuối tháng 12 năm ngoái và được xem như một người bạn tâm giao của Tổng thống Yoon.

Ngoài ông Han, theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Han Duck Soo cũng như 2 trợ lý cấp cao của tổng thống đã đề nghị từ chức để chịu trách nhiệm về thất bại của PPP trong bầu cử.

Dự kiến Ủy ban bầu cử quốc gia Hàn Quốc sẽ công bố kết quả chính thức trong ngày 11-4.

Nguy cơ Chính phủ "vịt què" ở Hàn Quốc

Cuộc bầu cử Quốc hội lần này được xem như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ của người dân Hàn Quốc với Tổng thống Yoon Suk Yeol và Đảng PPP. Ông Yoon lên nắm quyền vào tháng 5-2022 và theo Hiến pháp Hàn Quốc, ông chỉ được làm tổng thống một nhiệm kỳ 5 năm.

Ông Yoon đã hy vọng cuộc bầu cử lần này sẽ cho phép đảng của ông giành lại quyền kiểm soát Quốc hội, qua đó giúp thông qua các luật quan trọng để hiện thức hóa các cam kết trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, thất bại ngày 10-4 được cho là sẽ cản trở chương trình nghị sự của ông Yoon.

Giáo sư khoa học chính trị Lee Jun Hwan của Đại học Quốc gia Seoul tin rằng những khó khăn về luật pháp, ngân sách và quản lý nhà nước sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai, theo Hãng tin Reuters.

Nhà phân tích Kim Young Hwan của công ty chứng khoán lớn nhất Hàn Quốc Investment & Securities nhận định kỳ vọng của doanh nghiệp với chương trình tăng giá trị doanh nghiệp do Tổng thống Yoon đề ra "chắc chắn sẽ yếu hơn" sau bầu cử.

Trong phiên giao dịch đầu ngày 11-4, một số cổ phiếu tăng điểm nhờ sự lạc quan xung quanh chương trình trên đã giảm, do lo ngại Quốc hội dưới sự kiểm soát của phe đối lập sẽ chặn bất kỳ đợt cắt giảm thuế nào đối với các tập đoàn và nhà đầu tư giàu có.

Những người ủng hộ Đảng Dân chủ Hàn Quốc tại cuộc mít tinh ngày 9-4 - Ảnh: AFP

Những người ủng hộ Đảng Dân chủ Hàn Quốc tại cuộc mít tinh ngày 9-4 - Ảnh: AFP

Ông Mason Richey, giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc), thậm chí còn đi xa hơn khi cảnh báo chính phủ của Tổng thống Yoon có thể rơi vào tình trạng "vịt què" sau cuộc bầu cử.

Thuật ngữ này ám chỉ tình trạng một lãnh đạo dù đang tại chức lại không có quyền lực trong điều hành đất nước vì nhiều lý do. Trong đó có việc Quốc hội không nằm trong sự kiểm soát, lãnh đạo đó sắp mãn nhiệm hay chờ bàn giao lại cho người khác.

"Với tình trạng có thể là "vịt què", Tổng thống Yoon sẽ tập trung vào chính sách đối ngoại, nơi ông ấy vẫn có quyền lực theo luật định", ông Richey nói với Reuters.

Kịch bản thỏa hiệp với phe đối lập

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc Lee Jae Myung tại một sự kiện ngày 11-4, để thông báo kết thúc chiến dịch của đảng này cho bầu cử Quốc hội - Ảnh: AFP

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc Lee Jae Myung tại một sự kiện ngày 11-4, để thông báo kết thúc chiến dịch của đảng này cho bầu cử Quốc hội - Ảnh: AFP

Trong những ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống, Tổng thống Yoon lẽ ra có thể thúc đẩy chương trình nghị sự của mình khi sự ủng hộ của công chúng vẫn còn cao. Mức độ ủng hộ đó đã giảm dần theo thời gian và kết quả bầu cử Quốc hội ngày 10-4 đã cho thấy rõ thực tế.

Theo Reuters, ông Yoon là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên kể từ năm 1987 phải làm việc với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát trong suốt 5 năm nhiệm kỳ của mình.

Do đó, không loại trừ khả năng PPP sẽ phải chọn cách bắt tay và nhượng bộ phe đối lập trong 3 năm tới.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5-2022, Tổng thống Yoon đã không tổ chức một cuộc gặp chính thức nào với lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc Lee Jae Myung. Ông Lee phải đối mặt với một loạt cuộc điều tra tham nhũng mà ông cho rằng có động cơ chính trị.

Một quan chức cấp cao của Tổng thống Yoon ngầm xác nhận sẽ có các liên lạc với lãnh đạo những đảng đối lập, trong đó có ông Lee, khi PPP "dành thời gian để suy nghĩ về kết quả bầu cử cũng như nguyên nhân dẫn tới điều đó".

Trong tuyên bố ngày 11-4, ông Lee nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là các nỗ lực phục hồi kinh tế mà người tiêu dùng bình thường Hàn Quốc có thể cảm nhận được.

"Các đảng cầm quyền và phe đối lập phải hợp lực để vượt qua cuộc khủng hoảng sinh kế của người tiêu dùng", lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc kêu gọi.

Khủng hoảng y tế Hàn Quốc vẫn ở ngõ cụtKhủng hoảng y tế Hàn Quốc vẫn ở ngõ cụt

Tính đến ngày 5-4, cuộc khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc đã bước sang ngày thứ 46 khiến rất nhiều bệnh nhân hoảng loạn vì không biết tính mạng của mình sẽ ra sao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp