Dự án Sand Motor (động cơ cát) là điển hình của phương pháp xây dựng cùng thiên nhiên ở Hà Lan. Họ bơm 1,5 triệu m3 cát từ đáy biển Bắc tạo thành một bán đảo cát lớn. Dòng chảy sẽ đưa cát từ đó đến bồi đắp vào những vùng bờ biển bị xói lở thay cho con người - Ảnh: Rijkswaterstaat
Nhân chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Mark Rutte đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn riêng về những vấn đề hai nước cùng quan tâm: phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc học cách thuận theo thiên nhiên thay vì chống lại nó có ý nghĩa vô cùng lớn
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte
* Thưa Thủ tướng, tầm nhìn của đến năm 2050 là chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế sang kinh tế tuần hoàn. Tại sao mô hình kinh tế tuần hoàn lại ưu việt hơn? Việt Nam cần chuẩn bị những gì để có thể áp dụng mô hình đó trong tương lai gần?
- Điều tuyệt vời của kinh tế tuần hoàn là quốc gia phải có nghị lực để tái tư duy và thiết kế toàn bộ quá trình xây dựng xã hội, bao gồm cả cách chúng ta xây nhà hay giải quyết các vấn đề nông nghiệp.
Chúng ta có thể bắt đầu trên nền tảng cơ sở hạ tầng và những thiết lập sẵn có của nền kinh tế. Nhưng để thực sự chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn yêu cầu một sự tư duy lại trên mọi phương diện.
Lấy ví dụ việc quản lý rác thải, hiện tại chúng tôi đã có một vài thành quả nhất định, nhưng sẽ mất thời gian để nền kinh tế có thể hưởng lợi từ quá trình trên. Chúng tôi chỉ vừa mới bắt đầu và sẽ cần rất nhiều thời gian. Việt Nam cũng vậy.
Có những sai lầm đã trải qua mà chúng tôi không muốn Việt Nam đi vào vết xe đổ. Và chúng tôi sẽ ngăn điều đó xảy ra bằng việc cảnh báo cho các bạn về những hậu quả của nó. Tương tự, Việt Nam có những kinh nghiệm mà chúng tôi có thể học hỏi được từ đó.
Thủ tướng Hà Lan trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ tối 9-4 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
* Hà Lan đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Theo ông, trong điều kiện của Việt Nam, xây dựng đê điều hay giải pháp mềm từ thiên nhiên mới là giải pháp tối ưu?
- Điểm giống nhau giữa Việt Nam và Hà Lan là chúng ta đều phải đối mặt với vấn đề nước, bao gồm cả chống chịu lũ lụt. 17 triệu người Hà Lan đang sống dưới mực nước biển. Ngay cả sân bay cũng được xây 4m dưới mực nước biển.
Có một câu nói đùa phổ biến rằng "Chúa trời tạo ra Trái đất. Người Hà Lan tạo ra đất nước cho mình". Trên thực tế, để tồn tại, chúng tôi phải xây đê và đắp đập để đảm bảo rằng người dân có thể sống trong điều kiện khô ráo.
Việc xây dựng đê điều có thể cần thiết nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Một điều quan trọng mà chúng tôi đúc kết được là bên cạnh việc xây đê, có thể dùng chính sức nước để trị thủy. Như vậy, chúng ta biến một vấn đề thành lợi thế cho mình. Một tỉnh ở Hà Lan còn có ý tưởng xây dựng các đảo nhân tạo để giúp phục hồi điều kiện môi trường.
Đó là những kinh nghiệm mà chúng tôi rất muốn chia sẻ với Việt Nam.
Chúng tôi cũng học hỏi được nhiều từ Việt Nam, từ những thách thức mà các bạn phải đối mặt ở ĐBSCL, nơi có 20 triệu người sinh sống và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi của môi trường, khí hậu.
Một điểm quan trọng nữa mà chúng tôi có dịp thảo luận với phía Việt Nam là về mặt quản trị. Không khó để lập ra một kế hoạch nào đó. Nhưng điều quan trọng hơn là cách thực hiện và làm sao để đảm bảo cộng đồng địa phương đều tham gia quá trình đó.
Từ kinh nghiệm của Hà Lan, chính sách ban hành từ trên xuống không bao giờ hiệu quả. Ngày càng có nhiều quốc gia chú trọng vào việc đối thoại kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Mặt tích cực của việc đối thoại là nó yêu cầu sự tham gia của người dân trong việc hoạch định chính sách.
* Những thành tựu về khoa học công nghệ có phải là yếu tố then chốt giúp Hà Lan trở thành một trong những cường quốc thế giới về nông nghiệp?
- Ở Hà Lan, có một hệ thống các trường đại học nông nghiệp, chúng tôi gọi là đại học xanh, được liên kết với các khóa học khác nhau và với những nông hộ nhỏ ở khắp nơi trên đất nước. Điều này cho phép nông dân có thể gọi điện trao đổi trực tiếp với giáo sư đầu ngành ở Trường đại học Wageningen, một trường đại học danh giá trong lĩnh vực nông nghiệp, chẳng hạn, ngay khi có khúc mắc.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu và giáo dục đã có tác động tích cực và to lớn đến những hộ nông dân nhỏ ở Hà Lan. Họ đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề khác nhau. Nhưng bất cứ khi nào có vấn đề phát sinh, nông dân đều có thể dễ dàng liên hệ với những chuyên gia tốt nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể đưa mô hình này áp dụng tại Việt Nam vì các bạn cũng có nhiều nhà nghiên cứu giỏi.
Như tôi từng nói, đây là quá trình trao đổi học hỏi lẫn nhau và Hà Lan rất sẵn lòng tiếp thu những kinh nghiệm từ Việt Nam vì Việt Nam cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, đặc biệt là hai mặt hàng gạo và cà phê.
Ông Hans de Boer (chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hà Lan):
Giải quyết ngập, TP.HCM sẽ kích thích kinh doanh
Ông Hans de Boer (chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hà Lan)
Trong lần gặp ngài Thủ tướng Việt Nam trước đây, chúng tôi nói về vấn đề ngập ở TP.HCM. Về cơ bản, chúng ta có hai cách. Chúng ta có thể xây những con đê thật lớn và can thiệp vào tự nhiên. Nhưng ở Hà Lan, chúng tôi đã học được rằng tốt hơn là hãy hành động cùng tự nhiên theo cách thông minh hơn và đồng thời kiếm tiền từ đây.
Quan điểm này tôi thấy người Việt rất đồng tình. Chẳng hạn ở TP.HCM, chúng ta giải quyết vấn đề ngập thì sẽ kích thích kinh doanh, buôn bán, bất động sản, công nghiệp đi lên và Hà Lan rất giỏi trong vấn đề đó.
Tôi có thể hình dung mình trong tâm trạng của các bạn và các bạn có thể nghĩ xử lý ô nhiễm là vấn đề lớn ở TP.HCM. Nhưng đó chính là nơi khởi đầu của giải pháp. Những người có thu nhập trung bình sẽ cho rằng kinh tế phát triển, thu nhập tăng nhưng người dân cũng muốn con cái và gia đình mình được sống trong môi trường tốt.
Điều này từng xảy ra ở Hà Lan sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, mọi người chỉ lo phát triển kinh tế để rồi sau 10, 20 năm chúng tôi giật mình nhận ra chúng tôi có tiền nhưng không thể bơi dưới dòng sông ô nhiễm. Và nhiều công ty xử lý nước đã ra đời. Và mảng xanh, chim chóc, cá đã quay trở lại.
Ngày nay, chúng tôi có nhiều công ty có khả năng xử lý nước ô nhiễm bằng giải pháp hoàn toàn tự nhiên như sử dụng tảo hoặc cây sậy. Chúng tôi muốn đưa kiến thức, kinh nghiệm của mình vào Việt Nam và làm việc với người Việt Nam.
Bà Cora van Nieuwenhuizen (bộ trưởng Bộ Hạ tầng cơ sở và quản lý nước Hà Lan):
Xây dựng cùng thiên nhiên
Bà Cora van Nieuwenhuizen (bộ trưởng Bộ Hạ tầng cơ sở và quản lý nước Hà Lan)
Về quản lý nước và đồng bằng, chúng tôi có chương trình gọi là không gian cho sông, mở các lối thoát cho nước trong mùa mưa khi nước sông lên cao. Vùng xung quanh khu vực không gian cho sông đó có thể tận dụng cho nhiều mục đích nên chúng tôi không còn cần xây đê quá cao như trước đây nữa. Cùng với Thủ tướng Hà Lan, chúng tôi đã đi Ấn Độ và các công ty của Hà Lan đã đưa ra những ý tưởng thú vị để giúp Ấn Độ làm sạch sông Hằng. Ấn Độ cũng có những bãi rác rất gần sông, do đó kế hoạch sẽ là biến rác thành năng lượng để sử dụng trong quá trình làm sạch sông.
Vài thập kỷ trước, sông ngòi ở Hà Lan từng cực kỳ ô nhiễm vì chất thải công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật. Chính sách của chúng tôi đã thay đổi nhưng trình độ kỹ thuật cũng thay đổi và có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận