Đó là chỉ đạo của Thủ tướng với các bộ, ngành, địa phương trong chuyến thăm, tặng quà thầy cô giáo và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.
Hai cơ sở Thủ tướng đến thăm là Trường phổ thông dân lập Hermann Gmeiner (Hà Nội) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thuộc Trường cao đẳng Sư phạm trung ương - nơi đang đào tạo thiết kế đồ họa cho các sinh viên khiếm thính.
Cơ hội mới cho các em khuyết tật
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tặng 102 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt dưới 16 tuổi; tặng một số thiết bị phục vụ học tập cho Trường Hermann Gmeiner và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thuộc Trường cao đẳng Sư phạm trung ương.
Chia sẻ với Thủ tướng và các đại biểu bằng ngôn ngữ ký hiệu, em Nguyễn Thị Nhật Lệ cho biết năm 2016, em đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học tại cơ sở giáo dục địa phương. Do bị điếc bẩm sinh, em gặp rất nhiều khó khăn và rào cản trong học tập.
Đến khi được theo học tại Trường cao đẳng Sư phạm trung ương, các thầy cô có chuyên môn giỏi, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu tốt đã giúp em học tập tiến bộ hơn.
"Em hạnh phúc và tự hào vì là một trong số rất ít người điếc Việt Nam may mắn được học tập tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đến hết lớp 12 bằng ngôn ngữ ký hiệu. Và cũng hết sức tự hào, hồi hộp chờ mong được tiếp tục học tập lên trình độ cao đẳng ngành thiết kế đồ họa tại Trường cao đẳng Sư phạm trung ương", Lệ chia sẻ.
Tạo môi trường giúp trẻ em tự tin, bản lĩnh vươn lên
Theo Thủ tướng, công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân chăm lo, nhất là đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi...
Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng và thấu hiểu những nỗ lực, cố gắng của các em học sinh, bằng ý chí và nghị lực, tinh thần và trách nhiệm đã vượt qua khó khăn; nhiều em học sinh đã trưởng thành, hòa nhập với cộng đồng, không chỉ lo được cho cuộc sống của bản thân, gia đình mà còn có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Thủ tướng nêu rõ giai đoạn phát triển mới đặt ra cho công tác về trẻ em nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng nhiều khó khăn, thách thức mới. Những rào cản của việc tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng, có chất lượng đối với trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần được tiếp tục quan tâm, giải quyết.
Lưu ý, cần ngăn ngừa, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm việc bạo hành trẻ em, bạo lực học đường, phân biệt đối xử…
Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi việc chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật, người yếu thế, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật là nhiệm vụ quan trọng, theo tinh thần "không có ai bị bỏ lại phía sau".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận