Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu thực tế lãng phí trong giao đất các dự án BT trước đây - Ảnh: XUÂN THÀNH
Sáng 8-1, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) tổ chức hội nghị triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng ngành tài nguyên đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: Nhiều vấn đề tồn tại tích tụ từ trước đây như cơ chế chính sách, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững dựa vào tài nguyên, nhân lực giá rẻ, thâm dụng vào môi trường, suy thoái, lãng phí trong sử dụng tài nguyên, khiếu kiện liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp.
Sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trong tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016 đặt ra nhiều thách thức to lớn về an ninh môi trường. Hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Hà, bên cạnh những kết quả đạt được, có một số vấn đề nổi lên trong lĩnh vực TN-MT, đó là nhu cầu khai thác, sử dụng các nguồn lực tài nguyên ngày càng tăng, đòi hỏi cần phải có các giải pháp sử dụng hợp lý, tránh xung đột.
Tình hình khiếu kiện về đất đai dù đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp ở một số địa phương; tình hình ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tài nguyên đất đai, khoáng sản là nguồn lực rất quan trọng của đất nước. Còn môi trường là một trong ba trụ cột trong phát triển bền vững.
"Cần nói xoáy, nói kỹ vào vấn đề bức xúc hiện nay để tập trung giải quyết, nói thẳng vào bức xúc để tập trung giải quyết", Thủ tướng gợi ý.
Nêu cụ thể câu chuyện giao đất với các dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), Thủ tướng nói: "Làm sao bây giờ không còn giao đất kiểu BT trước đây, lãng phí quá trời đất, cơ chế nào cho vấn đề này?"
Một vấn đề bức xúc khác được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ là tình trạng ô nhiễm túi nilông, rác thải nhựa. "Phải có chính sách về vấn đề bức xúc này, nếu không cả Việt Nam là túi nilông, nhựa tràn ngập đại dương, rồi 13 triệu tấn rác nông thôn giải quyết thế nào?", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành TN-MT các lĩnh vực liên quan đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, xã hội bền vững.
"Lĩnh vực khí tượng thủy văn rất quan trọng, có quan hệ mật thiết với công tác phòng chống thiên tai. Chúng ta đầu tư, hiện đại hóa, kết nối, ứng dụng tiến bộ của thế giới để giảm thiên tai, mà giảm thiệt hại là phục vụ đời sống người dân, là giữ được thành quả phát triển kinh tế", Thủ tướng nói.
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các ý kiến phát biểu dù đề cập đến lĩnh vực nào, công việc gì đều cần nói thẳng, thật, không sợ mất lòng, như thế mới tháo gỡ được bức xúc.
6 mục tiêu năm 2019 của ngành TN-MT
100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có và phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
80% chất thải rắn nguy hại từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý. 12% thu ngân sách nội địa là từ đất đai, có cơ chế giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài.
62% hồ chứa quan trọng trên các lưu vực sông vận hành theo cơ chế phối hợp liên hồ kết nối dữ liệu chia sẻ chung.
55% số trạm quan trắc khí tượng thủy văn được tự động hóa; xây dựng Trung tâm dữ liệu Đồng bằng sông Cửu Long kết nối liên vùng.
28% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản với tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 70% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản với tỷ lệ 1:50.000.
Hoàn thành xây dựng các tiêu chí phát triển bền vững về môi trường, biến đổi khí hậu, đại dương làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận