Thông tin về các dự án lớn, chiến lược của Việt Nam đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 21-1.
Sự kiện thuộc khuôn khổ Hội nghị thường niên thứ 55 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và là cuộc đối thoại chiến lược quốc gia thứ tư mà WEF tổ chức với Việt Nam.
Tham dự đối thoại có Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Joo Ok Lee cùng hơn 60 lãnh đạo tập đoàn toàn cầu là thành viên WEF.
Việt Nam đặt mục tiêu cho nhiều dự án hạ tầng lớn
Tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong năm 2025, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 8% và đạt mức hai con số trong những năm tiếp theo.
Cùng với đó, Việt Nam tập trung thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực theo tinh thần thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực và quản trị thông minh.
Ông khẳng định Việt Nam có cơ sở, nền tảng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra và ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm, tự tin hơn, bản lĩnh hơn, có nhiều nguồn lực hơn để tiếp tục phát triển.
Chia sẻ về một số dự án hạ tầng chiến lược, Thủ tướng cho biết Việt Nam dự kiến hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong khoảng 10 năm. Việt Nam cũng sẽ khởi công dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc và Trung Á, châu Âu trong năm 2025.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11-2024 với tổng vốn sơ bộ tương đương 67 tỉ USD. Toàn tuyến dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh thành với tốc độ thiết kế 350km/h.
Về năng lượng, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thông tin Việt Nam dự kiến hoàn thành nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm.
Cùng với đó, nhiều dự án lớn về sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc đang được thúc đẩy mạnh mẽ, phấn đấu có ít nhất 3.000km đường cao tốc trong năm 2025.
Tại phiên đối thoại, các tập đoàn bày tỏ ấn tượng với mức tăng trưởng kinh tế trên 7% của Việt Nam trong năm 2024. Trong thảo luận, các doanh nghiệp đánh giá cao quyết tâm và cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn cũng như sự quan tâm, ủng hộ rất cao cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trả lời về các vấn đề quan tâm của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã triển khai chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Việt Nam cam kết không thiếu điện với các giải pháp đồng bộ, gồm cả phát triển điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và nhập khẩu điện.
Dịp này, ông cũng đề nghị các đối tác, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Đồng thời góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến... cho Việt Nam.
Thúc đẩy các dự án lớn với Trung Quốc, FTA với vùng Vịnh
Cũng trong ngày 21-1 tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường đang tham dự hội nghị thường niên của WEF.
Tại cuộc gặp, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp. Đồng thời tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, thúc đẩy kết nối sâu sắc hơn nữa hai nền kinh tế.
Thủ tướng cũng đề nghị tập trung triển khai những dự án lớn, mang tính biểu tượng, nhất là hợp tác về vốn, công nghệ và đào tạo nhân lực để triển khai các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng năm 2025 và Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời gian tới.
Tiếp Tổng thư ký Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed Albudaiwi, Thủ tướng đề nghị GCC khuyến khích các doanh nghiệp, quỹ đầu tư khu vực tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa GCC với Việt Nam, Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư GCC - Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Về phần mình, tổng thư ký GCC khẳng định Việt Nam nằm trong danh sách ưu tiên ký kết FTA của tổ chức này và tin tưởng quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước sẽ sớm có kết quả đột phá.
Tháng 10 năm ngoái, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, hai bên đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) và xác lập Đối tác toàn diện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận