Thủ tướng Đức Olaf Scholz - Ảnh: REUTERS
"Đức sẵn sàng đảm nhận trọng trách hàng đầu về an ninh trên lục địa", Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu ngày 16-9.
"Là quốc gia đông dân nhất với sức mạnh kinh tế lớn nhất và là một quốc gia ở giữa lục địa, quân đội của chúng ta phải trở thành nền tảng phòng thủ và là lực lượng được trang bị tốt nhất ở châu Âu".
Sau hai cuộc thế chiến, Đức khá lặng lẽ trên trường thế giới khi đề cập đến các cuộc xung đột và các vấn đề quân sự.
Tuy nhiên, thủ tướng Đức cho rằng quân đội nước này đã đảm nhận các vai trò như khoan giếng, hỗ trợ nhân đạo, ngăn chặn lũ lụt, cũng như hỗ trợ tiêm chủng trong đại dịch… trong thời gian quá lâu.
"Đó không phải là nhiệm vụ cốt lõi của chúng ta. Nhiệm vụ cốt lõi của chúng ta là bảo vệ tự do ở châu Âu", ông Scholz nói.
Việc Nga tấn công Ukraine khiến chính phủ của ông Scholz điều chỉnh chính sách đối ngoại và quốc phòng lâu nay.
Theo Hãng tin AFP, vài ngày sau khi binh lính Nga tiến quân vào Ukraine, ông Scholz công bố quỹ trị giá 100 tỉ euro để tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Đức và cải thiện tình trạng thiếu kinh phí kéo dài nhiều thập kỷ.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng sẽ tăng chi tiêu quân sự lên mức 2% GDP sau nhiều năm không đầu tư.
Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Đức giảm quân số từ 500.000 quân vào thời điểm thống nhất năm 1990 xuống còn khoảng 200.000 quân ở hiện tại.
Các quan chức quốc phòng Đức nhiều lần cảnh báo những thảm họa về trang thiết bị của quân đội như một loạt máy bay, xe tăng và tàu quân sự bị hỏng hóc.
Dưới áp lực gửi vũ khí để hỗ trợ Ukraine như các đồng minh phương Tây khác, Đức hứa sẽ gửi nhiều vũ khí, trong đó có hệ thống phòng không Iris-T mà ngay cả quân đội nước này cũng không có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận