12/08/2023 20:05 GMT+7

Thủ tướng: Điểm 'nóng' sạt lở phải xử lý nhanh

Sau hai ngày trực tiếp khảo sát tình hình sạt lở tại 8 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành trong vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiều 12-8 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiều 12-8 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 12-8, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long về khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.

Có năm sạt lở mất 500ha đất

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, môi trường sinh thái.

Từ năm 2016 tới nay ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện 779 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 1.134km (trong đó sạt lở bờ sông nhiều nhất với 666 điểm, chiều dài 744km; sạt lở bờ biển 113 điểm, chiều dài 390km).

Trong số này, có 63 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 240km (bờ sông 39 điểm, bờ biển 24 điểm).

Sạt lở bờ biển cũng có những diễn biến đáng lo ngại. Dữ liệu từ năm 2020 - 2022 cho thấy một số nơi ở huyện Ba Tri, Bến Tre bị sạt với tốc độ khá lớn (khoảng 30m/năm), ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) khoảng 35m/năm. 

Ông Hiệp cũng cho biết mức độ lở ngày càng nghiêm trọng. Dữ liệu 15 năm qua cho thấy mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long lở mất 300ha đất, cá biệt có năm lở mất trên 500ha đất.

Sạt lở tại đê biển Tây thuộc địa bàn huyện U Minh, Cà Mau - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sạt lở tại đê biển Tây thuộc địa bàn huyện U Minh, Cà Mau - Ảnh: CHÍ QUỐC

Về giải pháp công trình, thời gian qua trung ương đã bố trí hơn 16.223 tỉ đồng cho các địa phương xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở với chiều dài 324km. 

Trong đó đã xây dựng hoàn thành 190 công trình với 246km, tổng kinh phí là 11.453 tỉ đồng. Đồng thời đã có kế hoạch đầu tư thêm 28 công trình (với chiều dài 78km, tổng kinh phí 4.770 tỉ đồng).

Từ thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng đề án tổng thể phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có đề cập giải pháp và nguồn lực để khắc phục tồn tại và trong đề án lớn này sẽ chia thành những đề án nhỏ cần làm trước. 

Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu bố trí kinh phí khắc phục khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý ngay (63 điểm) với tổng kinh phí 13.668 tỉ đồng.

Chỗ sạt lở cấp bách phải làm ngay

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây có diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, gây thiệt hại về người và tài sản. 

Hai ngày qua, đoàn công tác của Chính phủ đã khảo sát, làm việc với bảy tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Thủ tướng đánh giá "những điểm đi khảo sát này đều có vấn đề". Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tất cả những điểm "nóng" về sạt lở, sụt lún phải nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi nhanh cho các cơ quan có thẩm quyền thẩm định để xem xét, quyết định, xử lý ngay.

Đối với năm tỉnh còn lại gồm Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre và Hậu Giang, Thủ tướng yêu cầu chọn ra dự án cấp bách nhất, trên tinh thần sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn dự trữ để thực hiện, nếu còn thiếu bao nhiêu thì đề nghị trung ương hỗ trợ. Khi đó trung ương căn cứ vào tình hình cụ thể để xử lý và phải xử lý với tinh thần có trọng tâm trọng điểm, xử lý dứt điểm.

"Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát cụ thể, báo cáo, xử lý ngay trong tháng 8. Tôi đi đoàn công tác của tổ này rồi, còn lại năm tỉnh thì phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trong tháng 8, càng sớm càng tốt. 

Khi có hồ sơ thì các cấp có thẩm quyền phê duyệt, sẽ xem xét nguồn lực, tính toán trên cơ sở kịp thời, hiệu quả, đúng quy định, chống tham nhũng, tiêu cực, chạy chọt", Thủ tướng lưu ý.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: CHÍ QUỐC

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: CHÍ QUỐC

Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ trì cùng các bộ ngành có liên quan để tham mưu Chính phủ ban hành một văn bản quy phạm pháp luật định hướng, chỉ đạo phòng chống khắc phục sụt lún, sạt lở và ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Lưu ý khoanh phạm vi (Đồng bằng sông Cửu Long), khoanh đối tượng (sụt lún, sạt lở, ngập úng) để làm được chứ để tràn lan thì sẽ không làm được.

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới quán triệt năm quan điểm chỉ đạo, điều hành.

Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm và hậu quả của vấn đề sụt lún, sạt lở, ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý của cấp ủy, chính quyền; huy động nguồn lực của nhân dân tham gia vào việc phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba, có giải pháp cấp bách, trước mắt và giải pháp lâu dài. Trước mắt cần làm gì, lâu dài cần làm gì. Đối với dự án cấp bách thì phải khẩn trương phê duyệt, nhưng phải đảm bảo đúng quy định, chống lãng phí, chống tiêu cực. Về lâu dài có dự án vừa bảo vệ, vừa phát triển nhanh và bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ tư, huy động nguồn lực của Nhà nước, của địa phương, của nhân dân và các nguồn lực hợp tác công tư khác, các nguồn lực hợp pháp khác.

Thứ năm, phải phân cấp, phân quyền, tăng thẩm quyền cho cấp dưới, đi đôi với đó là phải phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, đồng thời đẩy mạnh khâu kiểm tra, giám sát.

Ngoài vấn đề sạt lở, tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đánh giá từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã triển khai làm các tuyến đường bộ cao tốc và tinh thần làm những tuyến đường này ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất tốt.

"Tôi vừa đi khảo sát một số công trình cầu, thấy làm đạt và vượt tiến độ, trong đó cầu Mỹ Thuận 2 quyết tâm khánh thành thời gian tới, cầu Châu Đốc cũng làm rất nhanh, khả năng vượt tiến độ. Các tuyến đường cao tốc triển khai nhanh giải phóng mặt bằng, đã xong cơ bản", Thủ tướng biểu dương.

Thủ tướng kiểm tra công tác chống sạt lở tại Đồng ThápThủ tướng kiểm tra công tác chống sạt lở tại Đồng Tháp

Sáng 12-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành kiểm tra công tác chống sạt lở sông Tiền khu vực huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp