Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư An Giang.- Ảnh: CHÍ QUỐC
Ngày 15-12, sau khi tham dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành khoảng thời gian cuối buổi để thông tin cho các đại biểu là lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL, cũng như những nhà đầu tư trong, ngoài nước về tình hình một số dự án giao thông trong khu vực.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã có định hướng phát triển giao thông vùng ĐBSCL đồng đều ở cả 4 phương thức là đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt. "Đây là vấn đề liên quan đến sự phát triển của 18 triệu dân trong vùng và cũng là tạo điều kiện để phát triển giao thương hàng hóa của khu vực trong tương lai", Thủ tướng nói.
Trong đó, tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 54km đang được Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, để đảm bảo tiến độ cuối năm 2020 thông xe toàn tuyến, hoàn thành vào năm 2021.
Đối với cầu Mỹ Thuận 2, Chính phủ đã trình và Quốc hội cũng đã bố trí hơn 5.100 tỉ đồng. Hiện đã phê duyệt đầu tư với chiều dài 6,6km. Bộ GTVT đang triển khai lập, phê duyệt thiết kế dự toán để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2019, hoàn thành vào năm 2023.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc để đảm bảo tiến độ thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2020 .-Ảnh: CHÍ QUỐC
Đối với cầu Vàm Cống, hiện các chuyên gia Hàn Quốc đang khẩn trương khắc phục sự cố, dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2019, đưa vào sử dụng vào tháng 6-2019. Toàn bộ kinh phí sửa chữa do phía Hàn Quốc đảm trách.
"Có mặt đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ở đây, tôi nói và giao nhiệm vụ luôn cho đồng chí. Phải tìm cách làm đại lộ để có đại phú. Tôi giao đồng chí nghiên cứu phương thức có tính khả thi cao để xử lý vướng mắc của tuyến cao tốc Long Xuyên - Châu Đốc dài 55 km, phải khẩn trương làm. Bản thân tôi đi xe từ Long Xuyên về Châu Đốc cũng đã thấy ê ẩm cả mình, vì đường xấu đầy ổ gà. Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và hướng đến Cà Mau là tuyến đường cũng khiến tôi day dứt rất nhiều. Tôi đã cùng thảo luận với các thành viên Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là mong mỏi của nhân dân ĐBSCL", Thủ tướng nói.
Về hàng hải, Thủ tướng cho rằng ĐBSCL cũng cần một cảng cửa ngỏ để vận chuyển, kết nối lưu thông hàng hóa với thế giới. Làm sao đủ các yếu tố kết nối hệ thống giao thông đồng bộ, yếu tố trung tâm. Qua báo cáo nghiên cứu từ các chuyên gia, nhà khoa học thì các địa điểm như: Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh hay Côn Đảo thì Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng là điểm xây dựng cảng cửa ngõ phù hợp nhất.
"Quan điểm của Thủ tướng là đồng ý với địa điểm này, nhưng tôi cũng giao cho Bộ trưởng bộ GTVT lập các hồ sơ, thủ tục lấy ý kiến các đại biểu và địa phương trong vùng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận