Chiều 15-10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trừ tỉnh Bến Tre) nhằm bàn giải pháp thúc đẩy triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệc héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đến năm 2030.
Thủ tướng đặt ra yêu cầu về "5 rõ"
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tính đến nay đã gần một năm triển khai đề án, nên hôm nay Chính phủ tổ chức hội nghị để đánh giá thời gian qua cái gì làm được, cái gì chưa làm được, việc làm tiếp theo thì trách nhiệm của từng người là thế nào.
"Tôi hay nói trách nhiệm là phải năm rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm và rõ tiến độ. Những cái làm được thì rút kinh nghiệm và phát huy, những cái chưa làm được thì phải có nguyên nhân và nguyên nhân đó thì ai chịu trách nhiệm, ai phải làm, làm trong bao lâu và kết quả thế nào phải rõ, không nói chung chung, không nói cho vui", ông nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, có mấy việc cần phải làm trong thời gian tới. Một là hạ tầng phải phát triển. Vùng đang tập trung hệ thống đường cao tốc, cảng biển và đang bắt tay vào xây dựng các cảng thủy nội địa đã có quy hoạch, cái này đơn giản vì không giải phóng mặt bằng nhiều. Thứ hai là phát huy được điều kiện sông nước của Đồng bằng sông Cửu Long, giảm chi phí logistics và tăng cạnh tranh của hàng hóa.
"Thị trường Trung Quốc mở ra rất tốt. Vừa rồi Thủ tướng Lý Cường qua đây nói rất rõ là tiếp tục mở cửa cho các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam. Năm nay dừa chúng ta mới mở ra thôi nhưng dự báo thu được 250 triệu USD, sang năm phấn đấu 1 tỉ USD, làm sống lại cây dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long đúng với giá trị của nó.
Thay mặt Chính phủ tôi đánh giá cao, hoan nghênh các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua có rất nhiều cố gắng, vươn lên từ khó khăn, từ thiếu thốn của mình để làm hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, giảm lạm phát, đặc biệt là xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu cho các sản vật, sản phẩm; phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Chúng ta thực sự có cảm xúc, có trách nhiệm, và tự hào về văn hóa, con người Đồng bằng sông Cửu Long, tự hào vùng đất rất đặc biệt, từ đó thổi hồn vào bằng trách nhiệm, bằng nhiệt tình, bằng khoa học công nghệ, bằng phát triển hạ tầng thì nó sẽ phát triển. Không đâu có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh như Đồng bằng sông Cửu Long", Thủ tướng chia sẻ.
Cứ làm, có lợi ích dân sẽ theo
Dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng cho biết 12 địa phương trong vùng triển khai đề án trên đạt một số kết quả bước đầu, nhất là rà soát hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan.
Tuy nhiên việc triển khai đề án còn nhiều khó khăn vướng mắc như nhận thức và hành động còn có ý kiến khác nhau về sự cần thiết và hiệu quả của đề án; nhiều hộ nông dân chưa mặn mà tham gia đề án.
"Nhận thức là quá trình. Nhận thức có nhanh được hay không thì hành động phải quyết liệt, làm ra sản phẩm thì chẳng cần phải nói. Có lợi ích cho người nông dân thì chẳng cần phải nói.
Còn mình nói mà chẳng có lợi ích gì thì người ta chẳng làm. Còn chẳng cần nói, cứ làm mà có lợi ích thì ắt người ta sẽ theo vì lợi ích là động cơ, là động lực, tất nhiên còn có lòng yêu nước, còn có truyền thống lịch sử văn hóa", người đứng đầu Chính phủ phân tích thêm.
Thủ tướng cũng cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế nhưng còn nhiều việc phải bàn để lợi thế này trở thành nguồn lực. Đó là lợi thế về con người, văn hóa, đất đai, điều kiện khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển nền nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo, thủy hải sản.
Tuy nhiên lợi thế đó mà không "thổi hồn" vào bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn thì cũng chỉ dừng lại ở mức trung bình, giá trị gia tăng không cao, thu về lợi nhuận không được như mong muốn.
Thủ tướng cũng lưu ý hiện tại Ấn Độ đã mở cửa lại thị trường gạo, vì vậy phải suy nghĩ thế nào để cạnh tranh.
"Giờ tình hình thay đổi rồi thì phải có cạnh tranh, cạnh tranh thì chọn phân khúc nào. Tôi dự báo cách nay mấy tháng, có trao đổi với anh Lê Minh Hoan. Nói về lúa gạo để chúng ta thấy không lúc nào không có khó khăn, quan trọng là có dự báo được để điều chỉnh, có phản ứng chính sách linh hoạt", Thủ tướng nói.
Thu nhập nông dân cao hơn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua triển khai bảy mô hình thí điểm trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, hiện có 4/7 mô hình thí điểm vụ thè thu năm 2024 đã có báo cáo kết quả rất tích cực.
Cụ thể: giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha).
Từ đó tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4 triệu đến 7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5-6 tấn CO₂ tương đương trên 1ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg.
Kết quả đạt được các mô hình thí điểm đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và hợp tác xã tin tưởng, tiếp tục tích cực tham gia đề án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận