Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay các đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV - Ảnh: NGỌC HIỂN
"Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ", người đứng đầu Chính phủ mở đầu bài phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển" để làm việc với địa phương, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.
Điểm lại những thành tựu nổi bật của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng nhận định Chính phủ đã chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp… Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong phòng chống đại dịch COVID-19.
Đánh giá về những thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng đã sử dụng từ khóa "đột phá" để nhấn mạnh những điểm nổi bật trong ưu tiên chỉ đạo điều hành.
Trong đó, Chính phủ đã đột phá về hoàn thiện thể chế, đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính dẫn dắt cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành.
Lấy dẫn chứng về đột phá hạ tầng, ông cho biết hiện đang đầu tư mới 654km đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.
Về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ông nhấn mạnh những con số tích cực khi nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn.
"Có thể tự tin cho rằng nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016-2019, chính là 'của để dành' góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch COVID-19", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về thu hút FDI, ông cho hay nhiệm kỳ này đã thu hút 175 tỉ USD, vốn thực hiện đạt hơn 60%.
Ngoài ra, ông cũng điểm lại những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực về môi trường, phát triển văn hóa, giáo dục, cải cách hành chính, ngoại giao...
Mặc dù nhận định đã có nhiều nỗ lực, nhưng Chính phủ cũng tự "soi lại mình" và thẳng thắn nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thủ tướng nêu ra 5 hạn chế còn tồn tại, trong đó công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng và trật tự xã hội, tình trạng thông tin xấu độc trên mạng xã hội, Internet, thuê bao ảo, lừa đảo, tin nhắn rác chưa được xử lý triệt để.
Đánh giá lạc quan về tương lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được 'thụ hưởng' thành quả của đổi mới và phát triển".
Những điểm sáng về kinh tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là do dịch COVID-19, Việt Nam đã vừa phát triển thị trường 100 triệu dân vừa thúc đẩy xuất khẩu thông qua các FTA thế hệ mới để đa dạng hóa, không để quá phụ thuộc vào một thị trường.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, từ 328 tỉ USD năm 2015 lên 517 tỉ USD năm 2019 và đạt 545 tỉ USD năm 2020, với 5 năm liên tục có thặng dư thương mại ngày càng tăng.
GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, bình quân 2016-2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011-2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Thị trường nhập khẩu máy móc, nguyên liệu cho sản xuất được đa dạng hóa đã dịch chuyển dần từ khu vực châu Á sang khu vực thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận