06/04/2020 20:47 GMT+7

Thủ tướng: Chuẩn bị phương án cho làn sóng thứ 2 dịch COVID-19 có thể bùng phát

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Không được chủ quan trên chiến thắng và phải chuẩn bị kịch bản để ứng phó với làn sóng thứ 2 có thể bùng phát của dịch COVID-19, chống dịch gắn với yêu cầu chống phá sản, Thủ tướng nhấn mạnh tại cuộc họp chiều 6-4.

Thủ tướng: Chuẩn bị phương án cho làn sóng thứ 2 dịch COVID-19 có thể bùng phát - Ảnh 1.

Chống dịch chống cả phá sản, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: CHÍNH PHỦ

Chiều 6-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục bàn các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chỉ thị số 16 và giải quyết một số kiến nghị của các ngành liên quan nâng cao kết quả phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội

Cho rằng nhân dân đã thực hiện và chấp hành tốt các Chỉ thị 15, 16, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc giãn cách xã hội; không được chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, "say sưa với chiến thắng bước đầu", đặc biệt trong bối cảnh đã xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới. 

Theo Thủ tướng, thực tế nếu làm tốt công tác cách ly xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch. Do đó, để bảo tồn những kết quả đã đạt được, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đều thống nhất phải tiếp tục thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội. 

"Chiến lược phòng, chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch theo phương pháp "khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong"; tích cực chữa trị cho những người mắc bệnh.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến 15-4, cả hệ thống chính trị, các địa phương, ngành y tế và các đơn vị liên quan cần nắm chắc tình hình, chuẩn bị nhanh các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch bệnh COVID-19.

Chuẩn bị thêm bệnh viện dã chiến, máy thở

Cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần tìm cho được những ca F0; truy tìm mọi dấu vết 2 ổ dịch tại TP.HCM và Hà Nội; tăng cường phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở thờ tự, đám đông, các siêu thị, phương tiện công cộng tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm cao.

Đồng thời, cần chuẩn bị tốt phương án bệnh viện dã chiến để không bị động trong mọi tình huống. Điều phối các nguồn lực, hướng dẫn, đào tạo, tăng cường năng lực y tế cho các địa phương; hỗ trợ tăng cường công nghệ kiểm soát dịch bệnh. Cần thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Thủ tướng cho rằng nếu làm tốt việc này sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam.

Đi liền với đó, các địa phương có dịch xuất hiện cần tăng cường đầu tư đẩy mạnh xét nghiệm cho người dân; thực hiện nghiêm ngăn ngừa lây nhiễm cho các đối tượng công nhân, giám sát việc tuân thủ phòng, chống dịch cho các cơ sở sản xuất; tăng cường vai trò của người đứng đầu các cơ sở sản xuất.

Về vấn đề máy thở, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có một chương trình sản xuất máy thở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này.

Chống dịch chống cả phá sản, thất nghiệp

Thủ tướng cũng đề nghị tạo điều kiện cho người Việt Nam, nhất là các nhóm yếu thế như trẻ em vị thành niên, người đi chữa bệnh nặng bị kẹt ở nước ngoài về nước; đồng thời biểu dương các địa phương bước đầu hỗ trợ người nghèo trên địa bàn. Cùng với giải pháp về an sinh, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chống dịch nhưng cũng phải chống doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc.

Theo đó, Chính phủ đã có chương trình tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công. Trong khó khăn nhưng cũng có những cơ hội, nên Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp và người dân cần đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động, tập trung phát triển các ngành, dịch vụ mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, xử lý công việc, tăng cường phát triển vấn đề Chính phủ số, kinh tế số; sản xuất, xuất khẩu hàng hóa y tế dự phòng với các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ.

Song song với phòng, chống dịch, cần chủ động chuẩn bị những giải pháp toàn diện về phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn trong phòng dịch. Chính phủ sẽ tổ chức họp với các địa phương bàn luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Bệnh nhân mắc COVID-19 sau 23 ngày đến Bạch Mai, chưa chắc lây nhiễm từ Bạch Mai Bệnh nhân mắc COVID-19 sau 23 ngày đến Bạch Mai, chưa chắc lây nhiễm từ Bạch Mai

TTO - Theo chuyên gia, thời gian ủ bệnh được tính từ lúc bệnh nhân nhiễm virus đến khi có triệu chứng, trong khi đó ngày 5-4 chỉ là thời điểm lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp