Một người dân ở Khu công nghiệp Dốc Hầm (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), khu vực dự kiến đặt nhà máy thép, mong muốn cuộc sống ổn định trở lại vì quy hoạch đã kéo dài - Ảnh: Trung Tân |
Nhu cầu địa phương là phát triển nhưng phải thận trọng. Tinh thần của Thủ tướng là không đổi phát triển môi trường lấy những tham vọng viển vông mà phải làm hiệu quả |
Bộ trưởng MAI TIẾN DŨNG |
* Hầm sông Hàn: nếu thực sự cần thiết mới đưa vào quy hoạch
Bộ Công thương đã có báo cáo Chính phủ về dự án thép Cà Ná, song Thủ tướng chưa có chủ trương đồng ý dự án do việc báo cáo chưa đủ căn cứ và cơ sở để ra quyết định.
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ ngày 9-3, ông Mai Tiến Dũng - bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - khẳng định như vậy và cho biết Thủ tướng đang yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục có báo cáo đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng và công khai.
Thép Cà Ná: chưa đủ căn cứ
Ngày 8-3, Bộ Công thương có buổi làm việc với Thủ tướng báo cáo về dự án thép Cà Ná. Tuy nhiên, ông Mai Tiến Dũng khẳng định tại cuộc họp Bộ Công thương mới chỉ đưa ra “báo cáo tổng thể”.
“Phải thận trọng nên Thủ tướng không đủ căn cứ để cho ý kiến nên hay không nên. Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục làm kỹ lưỡng, công khai, báo cáo thêm về dự án” - ông Dũng khẳng định.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công thương tại cuộc họp ngày 8-3, ông Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng về dự án.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương báo cáo đánh giá kỹ về quy hoạch, tính khả thi, hiệu quả dự án; yêu cầu Bộ Khoa học - công nghệ có báo cáo, đánh giá về công nghệ vận hành dự án; yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường có đánh giá, báo cáo tác động môi trường...
Ngoài ra, bên cạnh những vấn đề rất quan trọng như nguồn vốn đầu tư, công nghệ, xử lý nước thải, khí, môi trường..., ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết Thủ tướng đã đặt ra những nội dung rất cụ thể yêu cầu các bên liên quan phải làm rõ.
Cụ thể như các yếu tố cơ cấu sản phẩm có phù hợp với cung cầu thị trường hay không? Sản phẩm đưa ra thị trường có cạnh tranh được với Trung Quốc hay không? Nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào ở đâu?...
Một lần nữa khẳng định lại việc phát triển phải gắn với tính bền vững, hiệu quả, không để xảy ra những hệ lụy không thể lường trước, bộ trưởng nêu rõ yêu cầu của Thủ tướng là phải làm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, minh bạch, đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
“Nhu cầu địa phương là phát triển nhưng phải thận trọng. Tinh thần của Thủ tướng là không đổi phát triển môi trường lấy những tham vọng viển vông mà phải làm hiệu quả” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Thiếu hợp lý về quy hoạch
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, bày tỏ quan điểm rất hoan nghênh sự thận trọng của người đứng đầu Chính phủ khi yêu cầu phải xem xét toàn diện, đầy đủ, kỹ lưỡng về dự án.
Tuy nhiên, ông Mại cho rằng để có quyết định cuối cùng cho dự án này, cần phải có cơ sở thuyết phục và đặt trong bối cảnh phát triển ngành công nghiệp thép thế giới.
Đồng thời gắn với yêu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và thúc đẩy phát triển cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư.
Từng là một trong những chuyên gia được Bộ Công thương mời tham vấn ý kiến về dự án thép Cà Ná vào cuối năm 2016, GS Mại cho biết những cơ sở và quan điểm mà bộ đưa ra về dự án thép Cà Ná vẫn chưa đủ tính thuyết phục.
Hồ sơ tài liệu thép Cà Ná theo đánh giá của GS Mại là được làm rất sơ sài. Đây hoàn toàn không phải là tài liệu tiền khả thi, mà chỉ là phác thảo ban đầu nên không đủ cơ sở cho các chuyên gia góp ý vì thiếu căn cứ khoa học.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo quản lý của Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng việc đưa ra dự thảo điều chỉnh quy hoạch thép vào thời điểm này, dù không trái quy định, nhưng không phù hợp.
Bởi trong khi Bộ Công thương “nhiệt tình” đưa ra điều chỉnh quy hoạch thép thì dự thảo Luật quy hoạch đang được trình Quốc hội lấy ý kiến, dự kiến thông qua vào giữa năm 2017, đã loại quy hoạch thép và nhiều quy hoạch ngành ra khỏi danh mục các quy hoạch cấp quốc gia bắt buộc phải làm quy hoạch.
Dự án hầm qua sông Hàn dự kiến 4.700 tỉ đồng đã được Đà Nẵng thi tuyển phương án, được Thành ủy Đà Nẵng xác định khởi công trong năm 2018, song nay Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu thực sự cần thiết thì mới xem xét đưa vào quy hoạch |
Hầm sông Hàn: tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng
Trong khi đó, liên quan dự án hầm chui qua sông Hàn ở Đà Nẵng, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ sáng 9-3, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe Đà Nẵng và các cơ quan liên quan báo cáo về dự án hầm chui qua sông Hàn.
“Thủ tướng chưa quyết định là cho phép hay không cho phép thực hiện dự án này. Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, từ sự cần thiết, tính hiệu quả, các phương án thiết kế, phương án huy động vốn..., nếu đủ thuyết phục, thực sự cần thiết thì mới xem xét đưa vào quy hoạch” - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết dự án hầm sông Hàn là dự án thuộc nhóm A nên Thủ tướng là người phê duyệt. Vì vậy chiều 6-3, Thủ tướng có cuộc làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng và lãnh đạo các bộ ngành trung ương. Cuộc họp kéo dài một giờ.
Theo ông Thơ, Thủ tướng cho rằng có mấy điểm cần làm để sau đó nghe lại một lần nữa đầy đủ hơn. Tức là Đà Nẵng phối hợp với các bộ ngành về bổ sung dự án này vào quy hoạch.
“Bởi vì trước đây chúng ta quy hoạch ở vị trí đó để xây dựng cầu đi bộ nhưng bây giờ không làm cầu đi bộ nữa mà thay thế phương án làm một công trình vượt sông Hàn (có thể là cầu hoặc hầm). Tại cuộc họp, Thủ tướng giao Đà Nẵng làm việc lại với các bộ, chủ yếu là Bộ Xây dựng chủ trì để bổ sung vào quy hoạch tại vị trí đó một công trình mà không phải là cầu đi bộ” - ông Thơ nói.
Trả lời câu hỏi vậy sắp tới Đà Nẵng có lựa chọn phương án xây hầm hay cầu, ông Thơ nói: “Phương án hầm hay cầu là trên cơ sở báo cáo của Đà Nẵng, của tư vấn, Thủ tướng giao cho các bộ ban ngành, ví dụ như Bộ Khoa học - công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu thật kỹ về sự phù hợp cả mặt kinh tế, hiệu quả sử dụng, xã hội và về mặt kỹ thuật. Trên cơ sở đó sẽ báo cáo lại cho Thủ tướng nghe kỹ hơn, lúc đó Thủ tướng sẽ quyết”.
Dự án thép Cà Ná: “Nên dừng hẳn luôn là tốt!” Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Sưa - phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - cho rằng việc Chính phủ cẩn trọng khi phê duyệt dự án này “là hết sức cần thiết, vì đây là dự án được cả dư luận xã hội quan tâm rất lớn”. Còn theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, việc ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT HSG, công bố trước đại hội cổ đông về hiệu quả tài chính phân kỳ I.1 của dự án có tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) 30%/năm, thời gian hoàn vốn cố định không chiết khấu (PP) là 4 năm, 9 tháng, thời gian hoàn vốn cố định chiết khấu (DPP) là 5 năm, 11 tháng “là một điều không tưởng vì không có dự án thép nào sinh lợi khủng khiếp đến như thế”. Ông Thơ cho rằng với các dự án thép lớn trên thế giới, cũng chưa có tập đoàn sản xuất thép nào có mức IRR cao ngất đến như vậy. Nếu đã tìm được mức sinh lợi khủng như thế, HSG cần công khai các chi phí đầu tư vào xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, thậm chí xử lý từ nước biển sang nước sản xuất công nghiệp, là bao nhiêu “để mọi người đều có thể biết được nguồn lợi được sinh ra từ khoản nào, do cái gì mang lại”. Với tư cách một người dân, GS.TS Trần Ngọc Thơ kiến nghị “nên dừng hẳn dự án luôn là tốt, vì không một người dân Việt Nam nào muốn thấy cảnh vùng biển xinh đẹp ở Ninh Thuận bị ô nhiễm môi trường cả”. Chiều 9-3, ông Lưu Xuân Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết tỉnh chưa nhận được thông tin gì từ Văn phòng Thủ tướng đối với dự án thép Hoa Sen - Cà Ná đã được tỉnh đồng ý cho đầu tư nên “chưa thể nói gì”. Đà Nẵng “quá vội vàng” Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Minh - nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nguyên phó Ban Tổ chức trung ương - nói lãnh đạo Đà Nẵng tổ chức thi tuyển phương án xây hầm qua sông Hàn trong khi dự án này chưa có trong quy hoạch là không đúng với quy định. Nếu đúng theo trình tự khi triển khai một dự án nhóm A, trước hết dự án đó phải nằm trong quy hoạch. Nó phải trải qua nhiều bước như đấu thầu tư vấn rồi tổ chức thi tuyển, chứ không phải tự đứng ra chọn tư vấn rồi tự tổ chức thi tuyển trong khi dự án chưa có trong quy hoạch chung. Bà Trần Thị Nam Phương - Hội Cầu đường Đà Nẵng, người được Đà Nẵng mời tham gia hội đồng thi tuyển kiến trúc công trình qua sông Hàn - nói rằng Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quá vội vàng khi quyết định thông qua phương án xây hầm. “Trước đây, khi được mời tham gia hội đồng thi tuyển công trình xây công trình qua sông Hàn, tôi đã phản biện không nên làm hầm, nhưng cuối cùng hội đồng cũng chọn phương án làm hầm. Tôi cho rằng lãnh đạo cần phải lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn và có sự sàng lọc kỹ lưỡng khi quyết định đầu tư một dự án lớn. Theo tôi, Đà Nẵng nên hủy ngay phương án xây hầm” - bà Phương nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận