Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 đã thiết kế phiên đối thoại chính sách trực tiếp trong chiều 25-9 với Thủ tướng Chính phủ, các tư lệnh ngành để phân tích cụ thể hơn các chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghiệp.
Đây là lần đầu tiên diễn đàn có phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ.
Phiên đối thoại này nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại TP cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị cho Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.
Chia sẻ mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong một ngày bận rộn, ông học được rất nhiều điều mới từ các chuyên gia, diễn giả quốc tế.
"Tôi tin sau hội nghị này, mỗi người ra về có thêm một phần quà, kiến thức mà mọi người ở đây mang lại", Thủ tướng nói.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo và chuyển đổi ngành công nghiệp của TP để thích ứng với những thay đổi này.
Chuyển đổi công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao là hết sức cấp bách
Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết sự phát triển của công nghệ đang tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.
Việc phát triển kinh tế số được coi là giải pháp rút ngắn khoảng cách phát triển, tạo đà cho sự bứt phá đi lên của TP.HCM.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại không ít thách thức, đòi hỏi quyết tâm cao, nguồn nhân lực chất lượng, và chính sách pháp luật hoàn thiện để đạt được thành công.
Trong 5 năm gần đây, kinh tế TP tiếp tục phát triển ổn định, giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.
Hằng năm TP đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách của cả nước. Trong sự phát triển kinh tế của TP, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỉ trọng đóng góp cao.
Bốn ngành công nghiệp trọng yếu bao gồm cơ khí, hóa chất, điện tử - công nghệ thông tin, và chế biến lương thực thực phẩm đã đạt được những bước tiến đáng kể, tạo ra giá trị gia tăng cao và tác động tích cực đến các ngành kinh tế khác.
Đây là những ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành kinh tế khác.
Tuy nhiên, TP.HCM vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như còn phụ thuộc vào gia công lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, sử dụng công nghệ cũ, phụ thuộc nhiều vào lao động và tài nguyên.
Ông Hoan cho biết việc chuyển đổi ngành công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao là hết sức cấp bách và cần thiết.
TP đang hướng tới phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sạch, gắn liền với quá trình chuyển đổi số.
Đồng thời, TP.HCM sẽ tăng cường hợp tác với các tỉnh thành trong khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như các tỉnh thành trong cả nước để phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững.
Vì sự thịnh vượng chung của đất nước
TP sẽ khai thác tiềm năng và lợi thế về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cùng nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất và hiệu quả của các ngành công nghiệp.
Ông Võ Văn Hoan cũng đề cập sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư, và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm phát triển ngành công nghiệp TP.HCM theo hướng hiện đại hóa.
Với những cơ hội mới từ Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, phó chủ tịch thành phố tin tưởng thành phố sẽ tận dụng tốt các lợi thế này để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của TP.HCM và cả nước.
"Trong quá trình triển khai, chắc chắn thành phố sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn, chính vì vậy phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 hôm nay là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, chính sách để Chính phủ và chính quyền TP lắng nghe, tìm kiếm giải pháp để xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TP.HCM và các địa phương trong cả nước.
TP.HCM luôn nhận thức rằng sự thành công của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình chuyển đổi công nghiệp nói chung và sản xuất kinh doanh nói riêng chính là sự thành công của TP, góp phần tiếp thêm động lực cho TP phát triển mạnh mẽ theo tinh thần "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM, vì sự thịnh vượng chung của đất nước"", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Trong buổi sáng, phiên khai mạc đã có 4 báo cáo chính của các đại biểu xoay quanh các chủ đề như: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh liên kết vùng, khu vực quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP.HCM gắn với chuyển đổi công nghiệp.
Phiên thảo luận song song được chia thành 3 phiên, với các chủ đề khác nhau như: Vai trò C4IR tại TP.HCM gắn với chuyển đổi công nghiệp; Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận