Đây có thể coi là 'hội nghị Diên Hồng' về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự và điều hành hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức; đại diện UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa; cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan:
Yếu tố giải trí là tiềm lực quan trọng
Đảo Nami (Hàn Quốc) là trường quay Bản tình ca mùa đông, trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, ảnh hướng tới cả xu hướng thời trang.
Phim trường Nàng Dae Jang-Geum tạo ra một quần thể du lịch để thu hút khách du lịch. Phim này có chủ đề về thần y cũng tạo ra nghề bán thuốc cho làng.Hai ví dụ cho thấy lực hấp dẫn của văn hoá tạo ra rất lớn.
Ở ta, tỉnh Phú Yên lấy phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh để làm thương hiệu du lịch tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của văn hoá.
Tại Bắc Giang, có sự kiện văn hoá - thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng đã tạo ra sự lan toả tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả.
Người Hàn Quốc đã đưa ra một khái niệm mới là nông nghiệp giải trí, mang lại giá trị thương mại đặc sắc.
Sự sáng tạo trong văn hoá, nông nghiệp - nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Ta có thể phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương thông qua chuyển đổi số, các nền tảng. Không nên xem nhẹ yếu tố giải trí mà phải coi đó tiềm lực quan trọng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi:
Hãy lựa chọn TP.HCM để phát triển công nghiệp văn hóa
Xác định công nghiệp văn hoá là ngành mới, rất tiềm năng và sẽ có đóng góp tỉ trọng rất lớn vào sự phát triển nên tháng 10 vừa qua, TPHCM đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp văn hoá của Thành phố đến năm 2030.
Thành phố cũng đặt ra mục tiêu cho năm 2025, 2030 theo như mục tiêu Chiến lược văn hoá quốc gia. Trong đó, đóng góp của công nghiệp văn hoá trong GDP thành phố đến năm 2023 trên 10%.
Để phát triển văn hoá, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, các thiết chế văn hoá, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm văn hoá, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hoá, quảng bá, hợp tác quốc tế… là những trọng tâm.
Thành phố kiến nghị Thủ tướng sau hội nghị này có những định hướng cho các ngành chủ lực của công nghiệp văn hoá trong các địa bàn trọng điểm, nên có trọng tâm để có sự phân công, phối hợp và có sự đầu tư.
Khung pháp lý, chính sách, nên lấy doanh nghiệp, những người lao động trong lĩnh vực sáng tạo ngành công nghiệp văn hoá này là trọng tâm.
Cần có những quy định của pháp luật, quy chuẩn. Khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Bên cạnh chính sách về tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế… nên chú ý vào các cơ chế, chính sách vượt trội, đạt phá, tiếp cận với ngành công nghiệp sáng tạo chứ không như các ngành công nghiệp truyền thống.
Nên có Nghị quyết của Chính phủ, dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo những động lực cho phát triển ngành công nghiệp này.
TPHCM mong các doanh nghiệp đang có mặt trong Hội nghị hôm nay, trong quá trình triển khai đề án, xem xét, lựa chọn TPHCM để phát triển công nghiệp văn hoá.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm:
Công nghiệp văn hóa ít phải kêu gọi dám nghĩ, dám làm
Ở hội nghị này, chúng ta lắng nghe các nhà sáng tạo văn hóa, các doanh nghiệp cần gì để đáp ứng hoặc có những việc chúng ta không nên làm nữa hoặc nên bớt đi để giảm gánh nặng cho họ.
Đây là lĩnh vực ít phải kêu gọi tinh thần dám nghĩ, dám làm mà bài toán nằm ở chỗ chúng ta có dám cho làm không.
Chúng tôi xin đề xuất, trong chuyển đổi số phải dùng cả công nghệ và các phương pháp khác để quan sát được đầy đủ lĩnh vực này, có bộ đo chính thức, chính xác, đầy đủ và không nhầm.
Trong báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vẫn thiếu phần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Cần sớm có phương thức và mô hình phát triển.
Cần sớm xây dựng và áp dụng thể chế sandbox trong đổi mới sáng tạo của văn hóa. Chúng ta nên suy nghĩ thêm là dám cho làm và dám chấp nhận như ý kiến của một đại biểu đã nói là lĩnh vực có thể làm, có sai, có sửa, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Trong những quyết sách tới đây, Nhà nước cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa bằng biện pháp tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa, là khách hàng khó tính nhưng cũng là khách hàng sòng phẳng có đủ nguồn lực để trang trải. Hiện có thực trạng "xâm lăng văn hóa”.
Từ năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tất cả các nền tảng TV thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng về báo chí, truyền hình.
Tới đây nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý, bắt buộc cài sẵn ứng dụng nền tảng OTT lên các sản phẩm thiết bị thông minh.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm đề xuất một số thể chế, đặc biệt trong hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Báo chí lần này đưa chính sách xuất khẩu các sản phẩm văn hóa thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình trên không gian số.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi:
Sẽ có những điều chỉnh để phát triển công nghiệp văn hóa
Bộ Tài chính nhận được ba kiến nghị của đại biểu về chính sách thuế, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sáng tạo nội dung số cũng như không gian sáng tạo.
Hiện, các chính sách về hai loại thuế trên cũng như các chính sách khác, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Riêng những kiến nghị mà các đại biểu phát biểu đang vượt quá những chính sách, quy định hiện hành, Bộ Tài chính xin được ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp lại trong các chương trình, kế hoạch sửa các quy định pháp luật thuế liên quan đến lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa như kiến nghị của các đại biểu.
Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, các hoạt động công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh… tận dụng được cơ hội để, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp văn hóa.
Về kiến nghị thuế chồng thuế, hiện chính sách thuế không có việc thuế chồng thuế đối với hoạt động văn hóa, chỉ có những ưu đãi chưa đạt được mức mong muốn của từng trường hợp cụ thể.
Và có thể có những sự chưa đồng nhất giữa các loại hình văn hóa khác nhau. Điều này chúng tôi ghi nhận, sẽ có tổng hợp, đánh giá, kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho hoạt động này.
Bà Trương Uyên Ly, giám đốc Hà Nội Grapevine:
Chính phủ cần lập Tiểu ban hành động công nghiệp văn hóa
Không gian sáng tạo đang là mô hình hết sức năng động, đa dạng, linh hoạt và cởi mở.
Qua đó, kết nối giữa văn hóa nghệ thuật, kinh doanh và công nghệ nhằm giới thiệu các tài năng, các sản phẩm, các ý tưởng sáng tạo đến với công chúng.
Song không gian sáng tạo vẫn đang gặp phải khó khăn về hạn mức chi thấp gây cản trở, đặc biệt là trong các dự án có tính chất công - tư.
Hiện các không gian sáng tạo vẫn đang thực hiện các nghĩa vụ thuế giống các doanh nghiệp thông thường khác, nên sẽ gặp khó khăn hơn.
Khi tham gia các dự án hợp tác công - tư thường gặp khó khăn với mức chi rất thấp của Nhà nước.
Về thuế, tôi đề xuất miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong 3 năm đầu tiên và 2 năm tiếp theo thì giảm còn 10% và miễn giảm thuế thu nhập đối với các dự án công - tư.
Đến năm 2030, cần hoàn thiện các trung tâm và chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, có tầm nhìn toàn cầu.Cuối cùng, kiến nghị Chính phủ thành lập Tiểu ban hành động công nghiệp văn hóa sáng tạo công nghệ liên bộ ngành.
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam:
Có đủ khát khao, mãnh liệt để làm?
Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế - xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái.
Vấn đề là cốt lõi nào, giá trị nào ưu tiên trước, có khả năng cạnh tranh trước và cạnh tranh sau, luôn phải đảm bảo nguyên tắc sau cùng là hướng tới phát triển bền vững.
Chúng ta có hàng nghìn làng nghề, 54 dân tộc, sở hữu kho tàng bản địa vô giá nói chung và cho kiến trúc nói riêng.
Những công trình kiến trúc kết hợp gỗ và đất, những công trình xếp đá của đồng bào, trung tâm sáng tạo các làng nghề rất đẹp, được nhiều kiến trúc sư trẻ làm, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Văn hoá thì sâu lắng, phải làm đến cùng. Không có tác phẩm văn học nghệ thuật lớn cũng như các phát minh khoa học công nghệ ra đời một cách đơn giản. Cái chính là ta có đủ khát khao, mãnh liệt để làm.
Công nghiệp văn hoá cần một nền móng góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hoá và con người Việt Nam thì công nghiệp văn hoá Việt Nam mới cất cánh được.
Nhà nước, cấp quản lý là "bà đỡ" bao dung, quan trọng nhất là "đầu tư" niềm tin lớn vào văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Ông Lưu Duy Dần, chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam:
Làng nghề phải bám vào văn hóa
Hiện có hơn 5.400 làng nghề rải khắp các tỉnh, thành, số nghệ nhân được phong tặng ngày càng nhiều và họ đều cần được khích lệ phát triển mẫu mã mới và phát triển du lịch ở mỗi làng nghề và các địa phương.
Nếu như làng nghề không bám vào văn hóa và du lịch thì sẽ không hợp với sự hội nhập của chúng ta.
Phần lớn các làng nghề hiện nay ngoài sản phẩm ra, còn có những hoạt động bổ trợ khác về văn hóa.
Nơi nào làng nghề phát triển tốt, nơi đó an ninh trật tự tốt, ít có sai phạm, ít có thanh niên hư hỏng và tạo được việc làm cho thanh niên.
Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group:
Quy hoạch công nghiệp văn hóa cần đồng bộ
Quy hoạch công nghiệp văn hóa không chỉ dành cho một nhóm ngành nghề, một thành phố, một tỉnh mà cần đồng bộ, phù hợp.
Hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa. Song trong thực tế, các dự án về du lịch, văn hóa đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm.
Cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Ví dụ về cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối.
Về vấn đề nguồn nhân lực, để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp - chất lượng - khác biệt đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hoá dân tộc cũng như đáp ứng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Thực tế, những nơi có tiềm năng phát triển văn hoá du lịch lại là những vùng sâu vùng xa, trình độ phát triển còn thấp.
TS. Đoàn Thanh Nô - phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam:
Thể chế hóa chính sách, thúc đẩy sáng tạo
Văn học nghệ thuật còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy đúng mức để phát triển công nghiệp văn hoá, đặc biệt trong môi trường số.
Tuy nhiên, môi trường số có nhiều thuận lợi lẫn thách thức.
Để khắc phục tình trạng bất cập nói trên, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, sự hợp tác của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.
Mặt khác, các nền tảng số trung gian hoạt động tại Việt Nam cũng còn nhiều lỗ hổng, chưa hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam đã góp phần dẫn đến các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động xóa, gỡ nội dung vi phạm.
Về phía Nhà nước, cần sớm hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa chính sách, thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ ở mức cần thiết nhằm thúc đẩy sáng tạo.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, tổng giám đốc BHD:
Ăn trộm một bộ phim 30-40 tỉ chỉ bị phạt vi phạm hành chính
Công nghiệp văn hóa hiện tại chủ yếu được vận hành như là văn hóa, chưa phải công nghiệp văn hóa cả về mặt chính sách, con người làm văn hoá và quản lý văn hoá.
Hiện, Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Khi lọt vào nhóm đó, tỉ lệ phim sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm hay vẫn là 70% dành cho nước ngoài?
Chính sách của Nhà nước rất quan trọng hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển.
Để văn hóa phát triển, phải coi trọng luật pháp và sản phẩm văn hóa. Ăn trộm một xe máy thì bị đi tù; ăn trộm một bộ phim 30-40 tỉ chỉ bị phạt vi phạm hành chính.
Làm sao phải khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa. Rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất như cho vay nông nghiệp.
Đồng thời, phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp văn hóa như rạp chiếu phim, phim trường và có những chính sách miễn thuế đất, giảm tiền điện, nước.
Ngoài ra, quan tâm hơn tới chính sách thuế với những nhà sáng tạo nội dung. Về thủ tục hành chính, để quay một cảnh phim, phải xin nhiều giấy phép, rất khó khăn.
Bà Tô Nam Phương, phó tổng giám đốc FPT Play:
OTT đang trở thành kênh phân phối nội dung chủ đạo
Thúc đẩy phát triển các nền tảng OTT Make in Vietnam vô cùng quan trọng bởi các nền tảng OTT đang trở thành kênh phân phối nội dung chủ đạo.
Tuy nhiên, các nền tảng OTT thuần Việt đang rất khó khăn để cạnh tranh với các nền tảng OTT đa quốc gia như Netflix, Spotify...
Cuộc cạnh tranh hiện tại đang tập trung vào nội dung gốc (các đơn vị tự phát triển nội dung) với chi phí đầu tư lớn.
Các nền tảng OTT Việt cần được khuyến khích tái đầu tư mạnh mẽ hơn về công nghệ nền tảng, công nghệ truyền tải nội dung bên cạnh việc đầu tư phát triển nội dung để cạnh tranh.
Cần sự phối hợp giữa các nhà sản xuất nội dung, đơn vị cung cấp dịch vụ OTT Việt Nam để đưa các nội dung hay, phổ biến trên các nền tảng OTT.
Rất mong Chính phủ cũng như các doanh nghiệp ủng hộ khuyến khích phong trào và các sự kiện Thể thao điện tử quy mô.
Hiện lĩnh vực này đang tạo ra các cộng đồng người chơi vô cùng lớn (ở Việt Nam lên khoảng 50 triệu người), cùng cơ hội quảng cáo, thúc đẩy tiêu dùng đa dạng, tạo các hạt giống cho các đội tuyển phục vụ các sự kiện, giải thưởng tầm cỡ thế giới.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cho biết:
7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật:
Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm 2016, 2017, 2018 triển khai Chiến lược 1755: năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP.
Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng.
Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
Công nghiệp văn hoá với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế.
Sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế.
Các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Sự thay đổi này đã tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở cả 12 ngành (giai đoạn 2018-2022:
- Kiến trúc: giá trị gia tăng bình quân tăng 7,37%;
- Thiết kế: Giá trị gia tăng của bình quân tăng 6,36%;
- Thời trang: giá trị gia tăng bình quân tăng 7,3%;
- Điện ảnh: giá trị gia tăng bình quân 7,94%...
Công nghiệp văn hoá quảng bá sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam
Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 03 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian.
Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Gần đây nhất, ngày 22-11, Việt Nam đã trúng cử thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao.
Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nêu rõ: Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức hôm nay là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Văn hoá Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển.
Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Thủ tướng cho biết: Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa:
- Nghị quyết số 03 của Trung ương xác định: "Phương hướng chung của sự nghiệp văn hoá nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thụ tinh hoa văn hoá nhân loại, làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội…".
- Nghị quyết số 33 đề ra mục tiêu, yêu cầu: "Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam".
- Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành đã khẳng định quan điểm: "Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa".
Chiến lược xác định 12 lĩnh vực của Công nghiệp văn hóa; đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030.
- Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam".
- Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó: "khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh".
Thủ tướng nhận định: Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Thủ tướng nêu rõ, để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh", trên nền tảng văn hóa "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay
Tại hội nghị hôm nay, Thủ tướng đề nghị trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính:
1. Đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua (cố gắng nêu rõ số liệu minh chứng cụ thể); nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa?
2. Đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá, trong đó:
- Giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách? (về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư; việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số…).
Theo đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, thu hút nguồn lực hợp tác công tư.
- Những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao? Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như thế nào?
- Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng?
- Có cần xây dựng một Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ hơn?
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, quy định phù hợp sau hội nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận