Thủ tướng Anh David Cameron - Ảnh: Reuters |
BBC dẫn lời Thủ tướng Cameron nhấn mạnh rằng trong quá khứ nước Anh từng hối tiếc vì đã "quay lưng" với châu Âu, lập luận rằng Eu đã "giúp hòa giải" các quốc gia và duy trì hòa bình cho liên minh.
Tuy nhiên cựu thị trưởng London Boris Johnson lên tiếng phản bác cho rằng "khuynh hướng phản dân chủ" của EU là "nhân tố gây bất ổn và bất hòa".
Nhiều người cũng chỉ trích ông Johnson khi ông nêu cuộc xung đột tại Ukraine ra làm ví dụ cho "chính sách đối ngoại nửa vời của EU".
Cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt đã gọi ông Johnson là "kẻ bào chữa cho Putin".
Ông Johnson đã yêu cầu ông Bildt phải xin lỗi vì lời bình luận "hoàn toàn đáng khinh thường" trên và nhấn mạnh rằng ông từng lặp đi lặp lại việc lên án các hành động của Nga tại Ukraine.
Cuối ngày hôm qua, lời cảnh báo an ninh của ông Cameron được củng cố bởi thư ngỏ của 5 cựu tổng thư ký liên minh quân sự phương Tây NATO là Lord Peter Carrington, Javier Solana, Lord George Robertson, Jaap De Hoop Scheffer và Anders Fogh Rasmussen.
Trong bức thư ngỏ gởi Daily Telegraph, các cựu tổng thư ký NATO nhận định rằng mọi sự sẽ trở nên "rất rắc rối" nếu nước Anh không còn là một thành viên của EU.
"Trong khi chỉ có thể có một quyết định dành cho người dân Anh thì không nghi ngờ gì việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ dẫn đến sự mất ảnh hưởng của nước Anh, làm suy yếu NATO và cứu giúp kẻ thù của phương Tây ngay khi chúng ta cần kề vai sát cánh xuyên suốt các cộng đồng Âu - Atlatic để chống lại các mối đe dọa chung" - các cựu lãnh đạo NATO nói.
Chỉ còn hơn 6 tuần nữa là đến cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 nhằm quyết định việc đi hay ở lại khối đồng chung euro của nước Anh.
Mặc dù đã cảnh báo về những hậu quả của cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Cameron vẫn bảo vệ quyết định kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu này. "Bạn không nên cố gắng giữ một quốc gia có chủ quyền độc lập trong một tổ chức chống lại ý muốn của chính quốc gia đó" - ông Cameron chia sẻ với BBC.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận