Thủ tướng Anh Theresa May vẫn tiếp tục cuộc chiến Brexit - Ảnh: Reuters
Người phát ngôn của thủ tướng Anh cho biết bà đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và sẽ tiếp tục gọi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khác trong cuối tuần này.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) cũng xác nhận bà May gọi điện thoại cho Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trong ngày 18-1.
"Tôi không biết cuộc nói chuyện sẽ mang tính quyết định như thế nào" - người phát ngôn Margaritis Schinas nói.
Về phía EU, trưởng đoàn đàm phán của EU về , Michel Barnier cho biết EU để ngỏ khả năng có được một thỏa thuận Brexit "tham vọng" hơn so với thỏa thuận vừa bị Quốc hội Anh bác bỏ.
Ông Barnier khẳng định EU cũng đã thông qua các biện pháp dự phòng để đề phòng trường hợp Brexit "không thỏa thuận". Tuy nhiên, rất khó để thực hiện các biện pháp này, đặc biệt trong điều kiện vẫn tồn tại sự hoài nghi. Do đó, tốt nhất vẫn cần đạt được một thỏa thuận.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 18-1 cũng kêu gọi các thành viên EU ủng hộ việc đàm phán lại dự thảo thỏa thuận Brexit.
"Cuối cùng, vấn đề sẽ là liệu có mở lại (đàm phán) thỏa thuận hay không, điều cần sự chấp thuận của tất cà 27 thành viên, nghĩa là nước nào cũng phải tham gia" - ông Mass nói.
Người biểu tình phản đối Brexit ở London ngày 17-1 - Ảnh: Reuters
Không nhượng bộ
Còn trong nước, sau khi thỏa thuận Brexit bị Quốc hội Anh bác bỏ, các đảng chính trị tại Anh tiếp tục đối đầu về "" Brexit khi không bên nào nhượng bộ bên nào. Đảng Bảo thủ và Công đảng, hai đảng lớn nhất chiếm đến 88% ghế tại quốc hội, chưa cho thấy dấu hiệu sẽ nhượng bộ.
Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn chỉ trích Thủ tướng May, lãnh đạo Đảng Bảo thủ, đẩy nước Anh rơi vào nguy cơ rời EU vào 29-3 mà không có giai đoạn chuyển tiếp trong khi bà May kêu gọi ông Corbyn tham gia các cuộc đàm phán liên đảng.
Người phát ngôn của bà May cho biết bà đã có cuộc nói chuyện "tích cực" với các nghị sĩ, bao gồm một số thành viên Công đảng cuối ngày 17-1, giờ địa phương.
Để giành được sự ủng hộ của các đảng, thậm chí từ trong chính Đảng Bảo thủ, bà May cần phải mềm mỏng hơn về rexit bởi nếu không tìm được tiếng nói chung, London sẽ "hạ cánh cứng" hoặc phải lùi thời hạn Brexit.
Trong trường hợp thứ hai, Anh có khả năng phải tổ chức bầu cử hoặc trưng cầu ý dân lần hai.
Tuy nhiên việc trưng cầu ý dân lại sẽ mất cả năm để chuẩn bị trong khi đây cũng là kịch bản gây nhiều tranh cãi.
Ông Corbyn chủ trương bầu cử lại nhưng cảnh báo đảng này sẽ ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai nếu bà May không "gạt bỏ những giới hạn đỏ" của bà về Brexit.
Nội bộ Công đảng cũng chia rẽ quanh vấn đề này khi nhiều thành viên Công đảng dọa từ chức nếu ông Corbyn chủ trương trưng cầu dân ý lần hai.
Đức muốn Anh ở lại EU
"Chúng tôi sẽ nhớ các bạn" - người kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel nhắn nhủ Anh nên ở lại Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh London vẫn tranh luận trong chia rẽ về thỏa thuận rời EU.
Ông Annegret Kramp-Karrenbauer, người kế nhiệm bà Merkel làm chủ tịch Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo, cùng các lãnh đạo chính trị Đức đưa ra tuyên bố chung ngày 18-1.
"Không có đất nước vĩ đại của các bạn, lục địa này sẽ không được như hôm nay. Sau nỗi buồn Thế chiến thứ hai, Anh đã không từ bỏ chúng tôi. Họ đã chào đón Đức trở lại như một quốc gia có chủ quyền và một thế lực của châu Âu" - tuyên bố nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận