Theo AFP, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo hai nhà lãnh đạo họp kín, chỉ có người phiên dịch ở bên cạnh. Trên mạng xã hội Twitter, ông Modi khẳng định cuộc hội đàm diễn ra tốt đẹp.
Trước đó, ông Modi tuyên bố muốn tăng cường quan hệ Ấn Độ - Nga trên cả lĩnh vực kinh tế, năng lượng và an ninh.
Báo chí Nga đưa tin các doanh nghiệp hai nước đã ký nhiều thỏa thuận trị giá 7 tỉ USD. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ New Delhi muốn mua năm hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Matxcơva, trị giá khoảng 4,5 tỉ USD, nhằm hiện đại hóa mạng lưới phòng không.
Mới đây, Hãng quốc phòng Reliance Defence của Ấn Độ thông báo đã ký thỏa thuận sản xuất và bảo dưỡng trị giá 6 tỉ USD với Công ty Almaz-Antey của Nga.
Almaz-Antey chính là nhà sản xuất tên lửa S-400. AFP dẫn lời chuyên gia Dipankar Banerjee thuộc Diễn đàn sáng kiến chiến lược (FSI) ở Ấn Độ nhận định chính phủ nước này lo ngại nguy cơ bị Pakistan và Trung Quốc tấn công bằng tên lửa và máy bay ném bom, do đó quyết sắm lá chắn S-400.
Ước tính trong 10 năm tới, Ấn Độ sẽ tiêu khoảng 250 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội. Và chính quyền ông Modi muốn các công ty quốc phòng nội địa đóng vai trò lớn hơn trong chương trình này.
Nguồn tin của báo Kommersant (Nga) cho biết cuộc đối thoại giữa ông Modi và ông Putin sẽ đóng vai trò tối quan trọng đối với thỏa thuận mua bán tên lửa S-400 bởi trước đó đôi bên còn bất đồng về chuyện giá cả.
Ngoài ra, Ấn Độ dự kiến hợp tác với Nga để sản xuất tàu hộ tống và máy bay trực thăng. Hai bên cũng sẽ công bố địa điểm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân do Nga đầu tư ở bang Andhra Pradesh.
Ông Modi muốn tăng thị phần điện hạt nhân tại Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu năng lượng nước này. Hiện Ấn Độ vẫn phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy điện chạy than, hậu quả là tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng còn hơn cả Trung Quốc.
Dự kiến Ấn Độ sẽ phát triển 12 lò phản ứng để phục vụ các nhà máy điện hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận