Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: AFP
Tổng thống Trump cũng sẽ bay tới Houston chỉ để tham dự sự kiện có tên "Howdy Modi", dự kiến diễn ra trong ngày 22-9 (giờ Mỹ).
"Howdy Modi" sẽ được bắt đầu với những màn trình diễn kéo dài hơn một tiếng rưỡi của khoảng 400 vũ công trong các trang phục bắt mắt.
"Tôi đang hết sức hào hứng để nghe được những lời chỉ dạy thông thái từ Thủ tướng Modi. Ông ấy là nguồn cảm hứng vô cùng lớn cho tôi, cho Ấn Độ và cả thế giới này", một người tham dự không giấu được cảm xúc khi được hỏi bởi Hãng thông tấn ANI.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump sẽ dành khoảng 1 tiếng 40 phút tại sân vận động NRG và có bài phát biểu khoảng 30 phút.
Báo chí Ấn Độ bình luận ông Trump dường như đang tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng 4 triệu người Mỹ gốc Ấn trước thềm bầu cử tổng thống năm 2020. Có khoảng 300.000 người Mỹ gốc Ấn đang sinh sống tại Houston.
Một người Mỹ gốc Ấn hôn tay ông Modi khi ông đến Houston ngày 22-9 - Ảnh chụp màn hình
Theo Hãng tin Reuters, trong cuộc bầu cử năm 2016, 75% người Mỹ gốc Ấn tại Houston đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump. Bản thân thành phố này cũng được xem là một thành trì của Đảng Dân chủ.
Gạt qua một bên những điều trên, sự xuất hiện của ông Trump tại "Howdy Modi" càng tăng thêm sự long trọng của buổi đón tiếp Thủ tướng Modi.
"Lãnh đạo của hai nền dân chủ lớn nhất thế giới cùng xuất hiện trong một sự kiện quy tụ hơn 50.000 người là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, củng cố thêm quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ", ông Barai, một người bạn thân thiết của Thủ tướng Modi, nhấn mạnh với Đài NDTV.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Modi nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người Mỹ gốc Ấn khi đến Mỹ, song là sự kiện lớn nhất từng được tổ chức. Năm 2014, 19.000 người đã xuất hiện trong một sự kiện tương tự tại New York.
Ông Modi được cộng đồng người Mỹ gốc Ấn tại Houston khoác áo khi đến thăm - Ảnh chụp màn hình
Ông Modi, người lãnh đạo Đảng Bharatiya Janata, nhận được nhiều sự ủng hộ từ người Ấn tại Mỹ. Một nhóm người Mỹ gốc Ấn đã gọi điện thoại, vận động cử tri ủng hộ đảng của ông Modi trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2019.
Tuy nhiên, quyết định chấm dứt quy chế tự trị của khu vực Kashmir đã khiến chính quyền của ông Modi mất đi một số sự ủng hộ tại Mỹ. Hàng nghìn người Ấn theo đạo Sikh và đạo Hồi đã kêu gọi biểu tình phản đối ông Modi khi ông đến Houston ngày 22-9, theo Reuters.
Thủ tướng Modi đến Mỹ lần này để tham dự phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra vào tuần sau tại New York. Ông dự kiến có cuộc hội đàm chính thức với ông Trump bên lề cuộc họp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận