Bức xúc về nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được đưa ra tại chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời sáng 12-2.
Vì sao chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội?
Ông Đỗ Hữu Tân (TP.HCM) cho rằng thủ tục triển khai dự án nhà ở xã hội hiện nay phức tạp hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại. Minh chứng khi thực hiện dự án nhà ở xã hội sẽ bị khống chế về giá bán, lợi nhuận, còn dự án nhà ở thương mại thì lại không.
Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhà ở xã hội góp phần cùng với Nhà nước chăm lo cho người lao động nhưng lại ngại về thủ tục. Bởi việc đầu tư khiến doanh nghiệp không chủ động được dòng tiền, đối tượng mua nhà, giá bán.
“TP cần đẩy mạnh hơn việc hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư dự án không để tồn đọng và kéo dài. Đồng thời rà soát những mâu thuẫn chồng chéo của pháp luật”, cử tri kiến nghị.
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết dù hiện nay các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất và hỗ trợ lãi suất cho vay nhưng bù lại thủ tục rất khó khăn.
Ví dụ trong việc xét duyệt đối tượng, quy định pháp luật yêu cầu dự án nhà ở xã hội có thêm ba thủ tục so với thủ tục của dự án nhà ở thương mại.
Đầu tiên, chủ đầu tư phải làm thủ tục xác định tiền sử dụng đất, sau đó lại phải làm thủ tục xin miễn tiền này. Không chỉ vậy dự án nhà ở xã hội là một trong mười đối tượng xác định được miễn tiền sử dụng đất, được hỗ trợ lãi suất, do đó phải thực hiện thủ tục thẩm định giá bán, giá thuê mua.
Ngoài ra nhà ở xã hội chỉ dành cho những người trong 10 nhóm đối tượng theo quy định của Luật nhà ở. Dù chủ đầu tư được chọn đối tượng để bán, nhưng trước khi xác định đối tượng phải gửi văn bản đến Sở Xây dựng để minh chứng đối tượng đó có nằm trong nhóm được hỗ trợ hay chưa, và có nằm trong nhóm không phải đóng thuế thu nhập hay không.
Ông Khiết cho rằng đây là những thủ tục cực kỳ khó khiến các chủ đầu tư thời gian qua không mặn mà với các dự án nhà ở xã hội. TP.HCM phải cải tiến quy trình thủ tục đối với dự án nhà ở xã hội mới mong có thể thu hút các nhà đầu tư.
Cần quy trình minh bạch, rõ ràng
Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP thống nhất quy trình đối với các dự án ở xã hội và dự án chung cư cấp D. Thay vì thực hiện một dự án từ 2 - 3 năm trở lên, TP sẽ đưa ra thời gian tối thiểu và ghép chung vào các quy trình.
Như vậy, nếu chủ đầu tư có đất hợp pháp thì toàn bộ quy trình chỉ còn xuống khoảng 160 ngày (thấp hơn khoảng 200 ngày so với quy trình bình thường). Còn với đất của Nhà nước trực tiếp quản lý mà không sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước ngoài đầu tư công, quy trình có thể còn khoảng 320 ngày (thấp hơn quy trình bình thường 160 ngày).
Theo lãnh đạo sở, trong dự thảo nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54, TP có đưa ra một điều khoản rất hay khi cho phép thực hiện kêu gọi đầu tư vào trong các khu vực. Đặc biệt với khu vực đất công được đấu thầu chọn chủ đầu tư mà không phải sắp xếp lại theo nghị định 167.
Rõ ràng cần thiết thay đổi, điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan đến quy trình thủ tục của các dự án nhà ở xã hội để nó rõ ràng hơn. Ví như trường hợp chủ đầu tư không thực hiện giao 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội bàn giao lại Nhà nước thì Nhà nước trả lại tiền kinh phí, tính toán làm sao đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
“Hy vọng trong thời gian tới với các giải pháp cùng với sự rõ ràng minh bạch của các quy trình thì câu chuyện về phát triển nhà ở xã hội sẽ khả quan hơn. Bởi thực tế hiện nay rất nhiều chủ đầu tư đã có sẵn đất, người ta cũng muốn thực hiện và ngay cả TP cũng có quỹ đất để thực hiện nhưng thủ tục vẫn còn phức tạp”, ông Khiết nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận