Một cơ sở giết mổ tại Củ Chi vẫn đang là công trường ngổn ngang, khó kịp tiến độ đưa vào hoạt động trong năm 2017 - Ảnh: TR.MẠNH |
Sự thay đổi này cũng làm cho kế hoạch chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn vào cuối năm 2017 có nguy cơ tiếp tục bị trì hoãn. Bởi các nhà máy giết mổ hiện đại khó đưa vào hoạt động đúng tiến độ, nếu muốn đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y, theo thông tư 13 vừa được Bộ NN&PTNT ban hành.
Vừa làm vừa lo
Những ngày cuối tháng 8, công tác san lấp mặt bằng để chuẩn bị xây dựng nhà xưởng tại cơ sở giết mổ hiện đại với số vốn trên 15 triệu USD của Công ty TNHH An Hạ (Củ Chi) đang bước vào giai đoạn cuối.
Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc Công ty TNHH An Hạ, đang rất lo lắng trước nguy cơ phải tạm ngưng một số công trình quan trọng cũng như thay đổi nhiều hạng mục xây dựng khác để đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thú y theo thông tư vừa được Bộ NN&PTNT ban hành.
Với những quy định mới về cách ly với đường điện cao thế, khoảng cách với khu dân cư, trường học, bệnh viện..., cơ sở giết mổ này buộc phải thay đổi sơ đồ thiết kế hoặc di chuyển nhà xưởng, nếu không sẽ “vi phạm” quy định mới.
“Chúng tôi buộc phải dời nhà máy đi xa hơn so với thiết kế ban đầu, nâng gấp đôi khu nuôi nhốt động vật trước khi giết mổ để phù hợp với quy định mới” - bà Thắm cho biết.
Nhưng khó khăn nhất đối với dự án này là quy định “cách xa khu dân cư, trường học, bệnh viện tối thiểu 500m”, trong khi các quy định xây lò giết mổ cũ và trong phê duyệt dự án xây dựng này không có.
Do đó, Công ty TNHH An Hạ buộc phải dừng xây dựng khu kho lạnh bảo quản thịt sau giết mổ, dịch chuyển nhà máy giết mổ chính cho cách xa hàng rào để đảm bảo khoảng cách 500m.
“Nhưng làm sao đảm bảo được nhà dân cách chúng tôi 500m vì bên ngoài hàng rào là đất của dân. Lỡ mai kia họ đến đó xây nhà, chúng tôi lại bị vi phạm” - bà Thắm cho hay.
Với những thay đổi về quy định nói trên, gần 100 container trang thiết bị mà Công ty TNHH An Hạ đã đặt mua từ Đức vẫn nằm ở cảng chờ ngày về VN lắp ráp.
“Hiện chúng tôi cứ phải chia nhỏ ra từng hạng mục. Bắt đầu làm hay xong đến đâu, đều phải tập hợp hồ sơ để báo cáo thành phố nhằm sau này có gì còn có cái mà ăn nói” - bà Thắm cho biết.
Không chỉ riêng lò mổ An Hạ, nhiều cơ sở giết mổ gia súc công nghiệp đã được TP.HCM phê duyệt đều đang phải xem xét lại quy hoạch cũng như bố trí mặt bằng, nhà xưởng cho phù hợp quy định mới của Bộ NN&PTNT.
Theo ông Phan Xuân Thảo - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, quy chuẩn mới này áp dụng đối với tất cả các cơ sở giết mổ trên quy mô toàn quốc, TP.HCM cũng không ngoại lệ, nên các doanh nghiệp buộc phải thay đổi làm sao để đạt chuẩn mới được đi vào hoạt động.
Lỡ mục tiêu của thành phố
Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, ngay từ năm 2010, thành phố đã định hướng phát triển các cơ sở giết mổ tập trung hiện đại thay thế cho các lò mổ thủ công không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo đó, UBND thành phố đã có quyết định 313 phê duyệt phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011-2015” với mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ đưa vào hoạt động sáu nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc khó khăn về chính sách và thủ tục trong đầu tư, xây dựng mà đến năm 2016 vẫn chưa có nhà máy nào hoàn thành.
Ngày 25-4-2016, UBND TP.HCM lại ban hành quyết định phê duyệt phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”.
Theo đó, mục tiêu là đến cuối năm 2017, đưa vào hoạt động sáu nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại.
Đồng thời đến cuối năm 2017, tất cả các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động, ngoại trừ hai cơ sở giết mổ thủ công tại huyện Cần Giờ cung cấp cho người dân của huyện.
Toàn bộ hoạt động giết mổ heo được đưa vào hoạt động tại sáu nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại tại Hóc Môn và Củ Chi, với công suất giết mổ 10.000 - 15.000 con/ngày.
Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, theo khảo sát của chúng tôi, mục tiêu này của TP.HCM một lần nữa lại bị lỡ vì hầu hết các dự án đều không thể kịp tiến độ trước năm 2017. Một vài dự án vẫn chỉ là bãi đất trống và chủ đầu tư đang tiến hành san lấp mặt bằng.
Dự án của Công ty TNHH An Hạ phải thay đổi phương án và nhanh nhất phải đến đầu năm 2018 mới có thể lắp đặt xong dây chuyền công nghệ từ Đức để đi vào hoạt động.
Ông Bạch Đăng Quang - giám đốc HTX Tân Hiệp, chủ đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp (Hóc Môn) - cho hay sau khi hoàn thành các thủ tục về đất đai thì lại vướng thủ tục về hạ tầng bên ngoài dự án.
Cụ thể, khi HTX đã có vốn để chuẩn bị xây dựng nhà xưởng và lắp đặt thiết bị, con đường dẫn vào nhà máy vẫn chưa được triển khai, dù trước đó thành phố cam kết sẽ đầu tư con đường này bằng ngân sách nhà nước.
“Con đường dẫn vào nhà máy chạy ven sông vừa nhỏ lại vừa bị sạt lở nghiêm trọng nên chúng tôi băn khoăn, không biết có đường cho xe vận chuyển hàng hóa ra vào hay không sau khi xây xong nhà máy” - ông Quang nói.
Không nên cứng nhắc Sau chuyến khảo sát một vòng tại một số nhà máy giết mổ hiện đại ở châu Âu, giám đốc một công ty chế biến thực phẩm tại TP.HCM cho rằng việc quy định vị trí các lò giết mổ công nghiệp tại các quốc gia này không cứng nhắc như quy định tại VN vừa ban hành. Vị này dẫn trường hợp một lò giết mổ bò được đặt ngay trong thành phố Amsterdam đã nhiều năm nay. Bởi vì họ có hệ thống xử lý nước thải, mùi hôi và phòng dịch bệnh rất tốt, đáp ứng được các nhu cầu về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Với các đô thị lớn như TP.HCM có tốc độ xây dựng khu dân cư và hạ tầng quá nhanh chóng, cần có những quy định linh hoạt hơn về khoảng cách cũng như diện tích của các cơ sở giết mổ tùy vào các điều kiện công nghệ mà doanh nghiệp đầu tư. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận