Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại huyện Bến Lức, Long An - Ảnh: SƠN LÂM
Đó là nội dung dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 103 năm 2018 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ.
Dự thảo có một loạt điểm mới, tháo gỡ tối đa những khó khăn vướng mắc hiện nay, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm đối với xe máy, lái xe và của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).
Hồ sơ bồi thường đơn giản
Ông Phùng Ngọc Khánh - cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - cho biết theo đề xuất của Bộ Tài chính, thủ tục bồi thường đơn giản, tạo thuận lợi cho việc chi trả cho người được bồi thường.
Cụ thể, khi không may xảy ra tai nạn, hồ sơ bồi thường mà chủ xe phải cung cấp là giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước, hộ chiếu và giấy chứng nhận bảo hiểm.
Trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì phải có bản sao giấy chứng nhận thương tích hoặc hồ sơ bệnh án, giấy báo tử của cơ sở y tế...; còn thiệt hại về tài sản thì có hóa đơn chứng từ về việc sửa chữa, thay mới tài sản.
"Chỉ duy nhất trường hợp tai nạn chết người thì hồ sơ bồi thường mới cần phải có tài liệu của cơ quan công an như: biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có)... Tuy nhiên, DNBH phải có trách nhiệm thu thập các giấy tờ này, chứ không phải người mua bảo hiểm" - ông Khánh khẳng định.
Liệu với mức bồi thường bảo hiểm chỉ vài triệu đồng/vụ thì người dân vẫn phải cần cung cấp những giấy tờ chứng minh thiệt hại về tài sản, về sức khỏe? Ông Khánh nói vẫn phải cần để làm căn cứ bồi thường bảo hiểm và tránh trục lợi bảo hiểm.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người mua bảo hiểm, thay vì quy định cứng như hiện nay là một năm, thời hạn bảo hiểm sẽ được mở rộng tối thiểu là một năm, tối đa là ba năm đối với xe máy. Đối với ôtô thì tối thiểu là một năm, còn tối đa tương ứng với thời hạn đăng kiểm.
Tăng trách nhiệm của DNBH
Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của DNBH trong việc giám định cũng như bồi thường cho khách hàng.
Theo đó, DNBH hoặc người được ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe, người lái xe và bên thứ ba giám định để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định thiệt hại do DNBH chi trả.
Về bồi thường, theo ông Phùng Ngọc Khánh, DNBH phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà họ đã bồi thường hoặc sẽ bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp người được bảo hiểm chết, mất năng lực hành vi dân sự thì DNBH phải bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của họ.
Một điểm mới đáng chú ý là trong vòng ba ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của khách hàng, DNBH phải tạm ứng bồi thường với thiệt hại về tính mạng và sức khỏe.
Cụ thể với trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thì tạm ứng 70% mức bồi thường/người/vụ đối với trường hợp tử vong; 50% mức bồi thường/người/vụ đối với trường hợp thương tật.
Còn với trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn có thuộc phạm vi bồi thường hay không thì tạm ứng 30% đối với trường hợp tử vong và 10% đối với trường hợp bị thương tật bộ phận được điều trị cấp cứu.
Để thuận lợi trong việc thu thập giấy tờ cũng như thanh toán bồi thường, dự thảo nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT, CSĐT cung cấp bản sao các giấy tờ liên quan đến vụ tai nạn giao thông trong vòng năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của DNBH khi có kết luận điều tra.
Một điểm mới mà Bộ Tài chính cho rằng cần phải sửa đổi là nâng mức trách nhiệm bảo hiểm và xây dựng mức phí bảo hiểm tương ứng với rủi ro của xe cơ giới, chủ xe và người lái xe, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và bên tham gia bảo hiểm.
Những trường hợp được chi hỗ trợ nhân đạo:
Trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới sẽ chi hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân. Cụ thể là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm/người/vụ đối với trường hợp tử vong và 10% đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
* Ông Nguyễn Khắc Xuân - giám đốc Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair:
Xe đâm gia súc, hoa màu... làm sao có hóa đơn sửa chữa?
Về tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản do bên mua bảo hiểm, quy định trong mục 3a điều 15 dự thảo quy định: người được bảo hiểm phải cung cấp hóa đơn về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, không phải thiệt hại nào cũng có hóa đơn sửa chữa.
Chẳng hạn xe cơ giới đâm vào nhà dân, gây thiệt hại gia súc, gia cầm, hoa màu... không thể có hóa đơn sửa chữa, hoặc tài sản bên thứ ba không thể sửa chữa, bên thứ ba không muốn sửa chữa lại... thì không thể có hóa đơn khiến DNBH không dám thỏa thuận bồi thường bằng tiền, dẫn đến tranh chấp gây thiệt hại cho người được bảo hiểm.
Vì vậy, theo tôi cần bỏ quy định phải có hóa đơn, thay bằng quy định chung là "tài liệu, biên bản, chứng từ chứng minh thiệt hại của bên thứ ba".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận