Chiều 26-10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội. Phát biểu tại tổ TP.HCM, đại biểu Nguyễn Tri Thức - thứ trưởng Bộ Y tế - đề xuất điều chỉnh phụ cấp đối với nhân viên y tế.
Ông Thức cho hay các khoản phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn chi trả theo quyết định 73 năm 2011 (quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch) đến nay đã thực hiện 13 năm, rất lạc hậu.
Ví dụ mức phụ cấp trực 24/24h là 115.000 đồng/người, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người đối với bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt.
Mức này quá thấp cho một ca mổ rất khó ở một bệnh viện hạng đặc biệt.
Đáng chú ý, mức phụ cấp cho một ca mổ hạng đặc biệt kéo dài từ 6-8 tiếng, tổng mức cho một ca mổ đó là 1.480.000 đồng.
Trong khi các ca ghép thận hay phẫu thuật tim đòi hỏi kỹ thuật rất cao, bác sĩ phẫu thuật chính, bác sĩ gây mê chính được bồi dưỡng 280.000 đồng; hai bác sĩ phụ mổ, kỹ thuật viên gây mê 200.000 đồng; điều dưỡng giúp việc 120.000 đồng.
“Cái gì cũng phải có chính sách thỏa đáng với công sức lao động của kỹ sư, thầy giáo hay nhân viên y tế… đã bỏ ra” - ông Thức nói và đề nghị Chính phủ chỉ đạo để ngành y tế trình dự thảo nghị định điều chỉnh mức phụ cấp nói trên cho nhân viên y tế.
Trước đó, sáng 26-10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị Chính phủ có thể không tăng lương khu vực công, nhưng phải tăng lương hưu và tăng trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công vào năm 2025.
Theo ông Ngân, bốn ngày trước, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc có trình bày trước Quốc hội việc Chính phủ muốn bảo đảm cân đối ngân sách nên đã kiến nghị năm 2025 chưa xem xét tăng lương hưu, lương khu vực công, trợ cấp ưu đãi người có công.
Ông Ngân chỉ ủng hộ một phần đề xuất này của Chính phủ. Giải thích lý do, đại biểu đoàn TP.HCM cho biết từ ngày 1-7-2024 đã thực hiện tăng lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng/tháng nên lương của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công "khá hơn một chút, cũng tốt rồi".
Tuy nhiên theo ông Ngân: "Các cơ quan cần lưu ý đến tiền lương khu vực giáo dục, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, cũng như lương của đội ngũ y, bác sĩ. Tôi thấy tiền công các ca mổ quá thấp, nhưng quan trọng hơn là lương hưu thấp lắm”.
Từ đó ông đề nghị Chính phủ xem xét, có thể không tăng lương khu vực công nhưng phải tăng lương hưu. Cần tăng trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công.
Hệ số lương không có "đường ra" cho cán bộ trẻ
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng dù việc tăng lương 30% là rất đúng lúc, giống như hạn hán gặp mưa rào, nhưng theo hệ số lương vẫn không có "đường ra" cho những cán bộ trẻ.
Bà Lan cho hay kể cả phần thu nhập tăng thêm của TP.HCM sau khi nghị quyết của Quốc hội cho cơ chế đặc thù thì với hệ số tăng thêm đó, một người lớn tuổi, có mức lương cao, dù không phấn đấu gì trong quý đó, chỉ hoàn thành nhiệm vụ một cách bình thường nhưng tiền thu nhập tăng thêm được nhận vẫn cao hơn một cán bộ trẻ có những đóng góp, cống hiến xuất sắc trong thời gian đó.
Theo bà Lan, rõ ràng việc này thực sự chưa đem lại động lực cho cán bộ trẻ. "Tiền thưởng thì người làm giỏi phải hơn hẳn người làm việc bình bình và không phân biệt già, trẻ, lớn, bé. Còn mọi thứ đều theo hệ số lương thì rất khó” - bà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận