"Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đến với nhân dân, nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật của nhân dân về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để góp phần ngăn chặn các "tà giáo" hoạt động trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội" - ông Vũ Chiến Thắng, thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ, trao đổi bên lề cuộc gặp mặt, chúc mừng chức sắc lãnh đạo các hội thánh Tin Lành trên địa bàn TP.HCM nhân dịp lễ Phục sinh năm 2021, diễn ra ngày 2-4.
Ông Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh để đưa các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đi đúng đường hướng, đúng pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo là ban tôn giáo các địa phương cần tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan như cơ quan quản lý văn hóa, công an tại cơ sở đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng sinh hoạt văn hóa trái pháp luật; kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật mang tính "tà giáo" gây xáo trộn đời sống xã hội, cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động, đảm bảo quyền sinh hoạt tôn giáo và đời sống tự do tín ngưỡng của nhân dân.
Cùng với sự phát triển của các tôn giáo hoạt động đúng hiến chương, đúng điều lệ và những quy định của pháp luật thì cũng xuất hiện các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận, các hệ phái du nhập hay các nhóm tôn giáo phát triển trong nước hoạt động trái với quy định hiến chương, trái giáo lý, giáo luật chính thống của các tôn giáo, đi ngược lại phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Các hoạt động truyền bá "tà đạo", sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật đã đi ngược lại những quy định của Nhà nước về tôn giáo như sử dụng các hình thức tuyên truyền xuyên tạc, ma mị, lừa bịp để lôi kéo người dân, trong đó có cả hình thức trục lợi, xúc phạm đến nhân phẩm, đạo đức, quyền sống của con người hay đi ngược lại phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Theo ông Vũ Chiến Thắng, việc xuất hiện các hệ phái, giáo phái bất hợp pháp, các hiện tượng sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật tuy không phổ biến nhưng hiện nay đã xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước.
Việc để các hệ phái, giáo phái, hiện tượng nói trên tồn tại trong thời gian dài, tụ tập đông người tham gia mà chậm bị phát hiện và xử lý thì trước hết, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về các địa phương và cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về tôn giáo là ban tôn giáo địa phương nơi để các sự việc tiêu cực đó xảy ra.
Trong những năm qua, để giải quyết các hiện tượng sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật đã được dư luận, báo chí phản ảnh, Ban Tôn giáo Chính phủ và các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo; xử lý kịp thời các hành vi, hiện tượng, cá nhân vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật lẫn vi phạm quy định của các tôn giáo trong việc thực hành sinh hoạt tôn giáo.
Theo ông Vũ Chiến Thắng, để ngăn chặn dứt điểm tình trạng đó, bên cạnh việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo và tăng cường giáo dục ý thức pháp luật của người dân, còn rất cần sự vào cuộc chủ động của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và đang sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật.
Các tổ chức tôn giáo hợp pháp cần có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về tôn giáo mình để người dân khi có tín ngưỡng muốn gia nhập tôn giáo sẽ kiểm soát được hành vi, chính kiến của mình, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào những tổ chức "tà đạo".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận