15/12/2023 10:43 GMT+7

Thu tiền tỉ mỗi năm từ 'vàng xanh'

CHÍ TUỆ
và 1 tác giả khác

Sau hơn 20 năm bén duyên với cây chè - được ví như 'vàng xanh' ở Lai Châu, ông Kim Văn Tân (52 tuổi) trở thành nông dân xuất sắc với lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm từ trồng, sao chè khô.

Ông Kim Văn Tân kiểm tra hệ thống sao chè - Ảnh: T. HÙNG

Ông Kim Văn Tân kiểm tra hệ thống sao chè - Ảnh: T. HÙNG

Phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi.

Điển hình là ông Kim Văn Tân (giám đốc Hợp tác xã trà Tân Tiến, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) với mô hình trồng, sản xuất chè khô đem lại thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Mạnh dạn đầu tư nhà máy

Dẫn chúng tôi vào thăm nhà máy sản xuất chè xanh Shan Tuyết cạnh quốc lộ 32 (đoạn qua xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên), ông Tân cho biết mỗi ngày công ty đang sản xuất, chế biến 30-40 tấn chè tươi thành chè khô.

"Với chất lượng tốt, giá thành hợp lý, nên chè của tôi sản xuất đến đâu bán hết đến đó" - ông Tân nói và cho biết năm vừa qua ông bán hơn 1.000 tấn chè khô, trong đó 50% bán cho thị trường ngoài nước, thu về khoảng 50 tỉ đồng. Trừ hết phi phí, ông lãi khoảng 3 tỉ đồng.

Để có được "quả ngọt" như ngày hôm nay, ông Tân cho biết kể từ khi bén duyên với cây chè, ông đã dành trọn tâm huyết cũng như trải qua nhiều gian nan vất vả.

Năm 1999, tỉnh Lai Châu có chính sách trồng chè xóa đói giảm nghèo. Thấy vậy, ông Tân cùng nhiều người dân khác trong xã mạnh dạn vay vốn để trồng 1ha chè. Sau thời gian trồng, chăm bón, năm 2002 diện tích chè của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch và mang lại thu nhập khá.

Tuy nhiên, sau đó ông Tân cùng các hộ dân trong xã lại gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm chè búp tươi. Xoay xở tìm cách tiêu thụ, ông nảy ra ý tưởng làm chè khô.

"Lúc ấy nghĩ là làm, năm 2003 tôi mạnh dạn đầu tư mua máy mini nhỏ về để sao chè. Khi đó, chủ yếu là làm thủ công vì máy móc còn đơn sơ nên mỗi ngày chỉ sản xuất khoảng 1 tấn chè tươi thành chè khô để bán thị trường trong nước.

Tôi duy trì trồng, sản xuất chè như thế đến năm 2011 thì thành lập hợp tác xã. Bốn năm sau (2015), nguyên liệu chè tươi của bà con ngày một nhiều, đầu ra chè tươi gặp khó khăn, tôi bàn bạc với vợ, quyết định dốc toàn bộ số tiền gia đình tích cóp được và vay thêm vốn ngân hàng để mua đất, đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất chè khô" - ông Tân cho hay.

Theo ông Tân, thời gian đầu khi vận hành nhà máy với công suất lớn nên cũng gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm chè khô.

Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm chè khô của hợp tác xã, ông ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các bạn hàng trước đây, đồng thời tiếp tục quảng bá, mở rộng thị trường nước ngoài. Từ năm 2017, sản phẩm chè khô của Hợp tác xã trà Tân Tiến bắt đầu xuất ngoại.

Ông Kim Văn Tân là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh: C. TUỆ

Ông Kim Văn Tân là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh: C. TUỆ

Chất lượng chè đặt lên hàng đầu

Theo ông Tân, trong suốt quá trình 20 năm trồng, sản xuất chè khô, ông luôn quan tâm, đặt chất lượng chè lên hàng đầu. Ngoài 3ha chè của gia đình trồng, ông ký hợp đồng, liên kết với khoảng 240 hộ dân trồng 260ha chè.

Ông đứng ra cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn quy trình chăm sóc chuẩn cho bà con để kiểm soát chè không có dư lượng phân, thuốc.

Để làm ra chè khô có cánh đẹp, hương vị ngon, theo ông Tân, việc sao, sấy chè phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ.

"Khi cắt búp chè phải non, một tôm và hai đến ba lá và phải bảo quản tươi suốt trước đưa vào máy để làm chè.

Chè tươi được đưa vào ống xào, xào chín, sau đó chuyển qua hệ thống máy vò bằng băng tải. Sau công đoạn vò, chè được đẩy sang hệ thống máy sấy với nhiệt độ phù hợp. Khi sấy xong, chè được đẩy sang bom tạo hình khô, sau đó sang bom tạo hình đánh mốc cũng bằng băng tải tự động. Sau công đoạn đánh mốc sẽ cho ra chè thành phẩm.

Lúc đầu tiên làm, trải qua gian nan vất vả, tôi thử nhiều mẻ để xem chất lượng chè ra sao, sau nhiều mẻ thì mình có kinh nghiệm, phát hiện nguyên nhân từ đâu mà chè có chất lượng kém để điều chỉnh xử lý dần mới ra được chè có hương vị thơm ngon" - ông Tân chia sẻ và cho biết máy móc là một phần, còn kỹ thuật con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng chè.

Theo ông Tân, từ việc đảm bảo chất lượng và đáp ứng loại chè theo đúng yêu cầu của thị trường tiêu thụ thì thương hiệu trà Tân Tiến đã được nhiều nước biết đến, nhất là thị trường Trung Đông hiện nay đang "săn tìm" mùa chè của ông rất nhiều.

Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa Lò Văn Lục cho biết ông Kim Văn Tân là gương nông dân điển hình của xã trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài phát triển kinh tế, ông còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho bà con và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích ông Tân phát huy hiệu quả mô hình, quan tâm, hướng dẫn bà con giúp họ nâng cao thu nhập.

Ông Kim Văn Tân đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lai Châu, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu và trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Đặc biệt, ông vinh dự được bình chọn là một trong 100 gương mặt nhà nông tiêu biểu, nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".

Lai Châu: Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớnLai Châu: Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn

Từ chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, Lai Châu đã và đang hình thành những vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường và lợi thế cạnh tranh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp