Các doanh nghiệp cho rằng việc khống chế chi phí lãi vay là không phù hợp và sẽ khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội làm ăn - Ảnh: T.V.N. |
Theo đó, nếu doanh nghiệp vay vượt quá 4-5 lần vốn chủ sở hữu tùy lĩnh vực, phần chi trả lãi vay cho khoản vay vượt này sẽ không tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đây là một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất bổ sung vào Luật thuế thu nhập doanh nghiệp với mục tiêu “lành mạnh hóa” tài chính của doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần chống chuyển giá...
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng nếu áp dụng vào thực tế, quy định này sẽ khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội làm ăn, số thuế đóng góp cho ngân sách sẽ giảm chứ không giúp tăng thu như kỳ vọng của Bộ Tài chính.
Nhìn quá ngắn hạn?
Giải thích lý do của đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng thời gian qua nhiều doanh nghiệp có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính và là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Chẳng hạn, dù doanh thu luôn tăng trưởng và không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nhưng một số doanh nghiệp FDI thường báo lỗ, một trong những nguyên nhân là do chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn.
Để đảm bảo lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp và nền kinh tế cũng như góp phần chống chuyển giá, Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu với các lĩnh vực còn lại.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này là quá bất hợp lý.
Theo ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn (quận 1, TP.HCM), khi có cơ hội như trúng thầu một dự án lớn, trị giá hơn nhiều lần vốn, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để thực hiện dự án.
“Việc khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 5 lần là không phù hợp. Nhất là khi doanh nghiệp vay từ ngân hàng, trả vốn, lãi rõ ràng”, ông Linh bức xúc.
Cũng theo ông Linh, Bộ Tài chính quá lo xa khi cho rằng vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu sẽ “dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp”, bởi doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh rõ ràng, tài sản thế chấp, cầm cố và có khả năng trả nợ, ngân hàng mới cho vay nhằm đảm bảo không phát sinh nợ xấu. Hơn nữa, cho vay sao để đảm bảo an toàn là nhiệm vụ của ngân hàng chứ không phải của ngành thuế.
“Ngành thuế nên nghĩ xa hơn, doanh nghiệp vay được ghi nhận lãi vay vào chi phí thì ngân hàng cho vay có lãi cũng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy là công bằng. Nếu Bộ Tài chính chỉ nhìn vào việc doanh nghiệp giảm chi phí, từ đó giảm nộp thuế mà không nghĩ xa hơn là việc khống chế sẽ khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh, từ đó cũng giảm đi số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng là nghĩ quá ngắn hạn” - ông Linh nói thêm.
Không theo thị trường
Ông Lâm Thiên Minh (Công ty TNHH Đông Nghi) cho rằng lo ngại tình trạng “vốn mỏng” của doanh nghiệp là có cơ sở nhưng không thể gom chung tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, vào một khuôn khổ là quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
“Ngân hàng bao giờ cũng yêu cầu tài sản đảm bảo lớn hơn giá trị khoản vay, khi xảy ra rủi ro thì ngân hàng có thể phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Do vậy, chẳng có lý do gì không cho đưa lãi vay vào chi phí được trừ khi thực tế doanh nghiệp có đi vay” - ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, hoạt động đi vay và cho vay đã bị điều chỉnh bởi Luật các tổ chức tín dụng, trong khi Luật thuế lại không cho đưa khoản tiền lãi này vào chi phí được trừ là quá bất hợp lý.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cũng cho rằng có những ngành đặc thù như thương mại thường có giá trị hàng vay rất lớn.
Doanh nghiệp cần nguồn vốn lưu động lớn để quay vòng nên sẽ không bao giờ có ranh giới là khoản vay gấp 4 hay 5 lần vốn chủ sở hữu.
“Ngân hàng cũng phải chọn lựa doanh nghiệp tốt để cho vay. Do vậy, quy định này nếu áp dụng vào thực tế sẽ không phù hợp, đi ngược lại quy luật kinh tế thị trường cũng như ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, vay mượn của doanh nghiệp”, vị này nói.
Luật sư Trần Xoa, Gám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cũng cho rằng việc dẫn ra tỉ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để so sánh rồi đưa ra quy định chung cho các doanh nghiệp là không phù hợp.
Đặc biệt, với những ngành có tính chất đặc thù, cần mua trữ hàng như thương mại, ngư nghiệp, nông sản... quy định này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đối tượng có nguồn vốn hạn chế.
“Khi viện dẫn nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cũng chỉ dẫn ra kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển, trong khi cần xét đến hoàn cảnh thực tế của doanh nghiệp hiện nay cũng như kinh nghiệm tại các nước đang phát triển, hoặc có hoàn cảnh tương tự như Việt Nam để từ đó có chính sách sao cho hợp lý. Nếu chỉ lấy kinh nghiệm của các nước phát triển mà áp cho Việt Nam thì e rằng chưa thuyết phục” - ông Xoa nói.
Chỉ còn 1 tuần để góp ý cho việc sửa đổi 5 luật thuế Trong văn bản gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các bộ ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp về việc lấy ý kiến đề cương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên (dự thảo luật), Bộ Tài chính cho biết các dự án luật này sẽ được trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xây dựng dự án luật trong quý 3-2017. Cũng tại văn bản gửi lấy ý kiến lần này, Bộ Tài chính đề nghị các bên liên quan gửi ý kiến tham gia về bộ trước ngày 29-8 để kịp tiến độ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận