01/07/2014 09:11 GMT+7

Thử thách đầu tiên: tiếng Bồ!

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Nắng phủ vàng trên mọi lối đi rợp bóng cây xanh trong khuôn viên Trường ĐH Brasilia (Universidade de Brasília) ở thủ đô Brasilia.

IR0dSLEd.jpg
Lớp học tiếng Bồ Đào Nha ở ĐH Brasilia (thủ đô Brasilia, Brazil) - Ảnh: TR.N.

Chị Hải Yến nhanh chân bước vào lớp học sau giờ tan sở, vui vẻ cười với cô giáo và bạn bè: “Boa tarde!” (Xin chào).

Lớp học “liên hiệp quốc”

Trong lớp học “liên hiệp quốc” này, Hải Yến là người VN duy nhất theo học tiếng Bồ Đào Nha bên cạnh các bạn học đa dạng thành phần: chị Natsuko Nomura đến từ Nhật Bản, anh Patrick Effah là nhân viên sứ quán Nigeria tại Brazil, cô gái Hà Lan tóc vàng Dyonne Nyland...

Cô giáo Camilia rất thoải mái mặc áo phông vàng của đội tuyển bóng đá Brazil để đứng lớp, bắt đầu chuẩn bị mở đoạn băng cassette cho các học viên nghe và viết lại ra giấy trong phần kiểm tra khóa học.

Sau đó các học viên lần lượt đứng lên thi thuyết trình khoảng 3 phút bằng tiếng Bồ về đề tài tự chọn. Tới phần mình, Yến giới thiệu về TP.HCM với cô giáo và các bạn: “Đây là thành phố lớn ở miền Nam VN, mỗi năm có rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan những nơi chốn rất đẹp như trụ sở UBND TP.HCM, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà...”.

Những người nước ngoài hoặc du học sinh đến Brazil thường theo học những lớp ngoại ngữ nhiều cấp bậc (sơ cấp, sau sơ cấp, trung cấp...) như thế để khởi đầu đường học vấn hoặc dễ bề cho việc làm ăn sinh sống của họ. Hải Yến cho biết lịch học khá thuận lợi cho những người nước ngoài thu xếp thời gian: “Lớp của tôi có học phí mỗi khóa hai tháng là 700 real (6,7 triệu đồng VN), học ba buổi/tuần (16g-17g30), tổng cộng 48 giờ”.

Du học sinh VN duy nhất

Thật khó xác định ai là du học sinh VN đầu tiên đã sang Brazil học hành và tốt nghiệp, nhưng theo hồ sơ lưu trữ từ sứ quán VN tại Brazil, trong rất nhiều năm qua chỉ có một du học sinh VN sang Brazil từ năm 2010 là Hoàng Hữu Đạt, học ngành quản lý môi trường tại Học viện Camoes (thành phố Curitiba).

Hữu Đạt sau một năm học tiếng Bồ thì bước vào năm thứ nhì học dự bị, sau đó mới học hai năm chuyên ngành. Nhờ có học bổng nên mỗi học kỳ (dài bốn tháng) Đạt chỉ phải đóng 50 real (gần 500.000 đồng VN).

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Đạt cho biết: “Trước khi sang Brazil tôi cũng khá lo vì những gì biết về Brazil chỉ toàn là bạo lực và các khu ổ chuột. Nhưng thực tế khi lần đầu tiên đặt chân đến thủ đô Brasilia - một thành phố hiện đại với cơ sở hạ tầng giao thông tuyệt vời - tôi đã có một cái nhìn khác. Khi đến thành phố Curitiba tôi lại càng ngạc nhiên hơn với vẻ đẹp, nhiều công viên cây xanh trong lành và rất an toàn (thậm chí các căn hộ trong tòa nhà chung cư không cần khóa cửa!)”.

Là sinh viên VN duy nhất trong trường, Đạt được sự giúp đỡ nhiệt tình từ thầy cô và bạn bè, nhất là trong khoảng thời gian đầu mới sang nhiều bỡ ngỡ và chưa thành thạo tiếng Bồ. Họ hay mời Đạt đi chơi để hòa nhập nhanh với cuộc sống ở Brazil và không mặc cảm bởi rào cản ngôn ngữ.

urXO80Og.jpg
Hữu Đạt (bìa phải) - du học sinh VN ở TP Curitiba - cùng bạn học đi làm công tác xã hội tại trung tâm giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh: nhân vật cung cấp

Những cơ hội và rào cản

“Thời gian đầu mới học cũng gặp nhiều khó khăn khiến tôi có lúc nản lòng, bị nợ điểm môn học, phải thi lại...”, Đạt thú nhận. Sau một năm học dự bị anh mới nắm được phương thức học tập ở Brazil. Việc sống “homestay” chung nhà với người bản xứ cũng giúp Đạt cải thiện nhanh khả năng giao tiếp tiếng Bồ. Đạt cho rằng “chính khát vọng trở thành sinh viên VN tốt nghiệp đại học tại Brazil cùng môi trường học đường đề cao tính thực tế ở đây đã giúp tôi có động lực vượt qua thử thách”.

Đạt cho biết các sinh viên ở Brazil được yêu cầu đi khảo sát thực hành rất nhiều, từ việc đi nghiên cứu về thực vật trong khu bảo tàng tự nhiên đến tham quan giáo dục về xử lý rác thải, tiếp xúc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các trung tâm giáo dục... “Điều này rất tốt vì rèn luyện cho tôi sự tự tin và lưu loát hơn trong quá trình giao tiếp, chủ động hơn trong việc tự tìm kiếm tư liệu và phát huy tối đa khả năng của mình. Một tuần học thường có khoảng 3-4 buổi thuyết trình về những phần nhỏ của một dự án. Cuối mỗi niên học lại tổng kết thuyết trình một dự án lớn và tất cả các dự án sinh viên thực hiện đều có liên quan đến nhau”.

Tháng 5-2014 Hữu Đạt tốt nghiệp. Anh đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên tại Brazil rất tốt. “Họ biết cách hướng dẫn để cho sinh viên tự tìm ra phương thức và sáng kiến riêng mình. Đặc biệt họ rất nhiệt tình với các sinh viên là người nước ngoài”.

Tháng 3-2014, có hai sinh viên Học viện Khoa học quân sự ở Hà Nội là Đỗ Đức Chinh và Nguyễn Hải Duy (đều sinh năm 1995) được chọn sang Brazil học tại Trung tâm Nghiên cứu lục quân (Centro de Estudos de Pessoal e Forte Duque de Caxias - CEP, ở Rio de Janeiro) theo diện học bổng của nước bạn.

“Chúng tôi đang trải qua quá trình học ngôn ngữ kéo dài tám tháng, sau đó sẽ chính thức bước vào học chương trình đào tạo quân đội của Brazil khoảng bốn năm để về phục vụ quân đội”, binh nhì Đức Chinh nói với Tuổi Trẻ. Anh cho biết mình và Hải Duy được phía bạn cho ăn ở tại ký túc xá quân đội, ngoài giờ học thì ôn bài ở ký túc xá hoặc đi tham quan vòng quanh thành phố Rio de Janeiro để hiểu thêm phong tục tập quán của người địa phương.

Qua quá trình học tập, Hoàng Hữu Đạt cho biết: “Cơ hội học tập tại Brazil dành cho sinh viên nước ngoài rất nhiều. Brazil có rất nhiều học bổng từ trường đại học tư cho đến đại học công, nhưng đáng tiếc các thông tin này SVHS VN chưa được biết nhiều”.

Nhưng theo Đạt, những rào cản hiện nay chính là trở ngại ngôn ngữ (tiếng Bồ Đào Nha khó học và không phổ biến như tiếng Anh), khoảng cách địa lý xa xôi, các thông tin về đất nước và con người Brazil vẫn còn khá xa lạ với người Việt...

Đại sứ VN tại Brazil Nguyễn Văn Kiền cũng trao đổi với chúng tôi: “Brazil cấp học bổng cho các nước khá nhiều nhưng giữa bạn và VN chưa ký hiệp định về giáo dục nên học bổng dành cho VN vẫn quá hiếm hoi. Chúng tôi đang nỗ lực xúc tiến và thúc đẩy việc ký hiệp định giáo dục giữa đôi bên để sinh viên VN có nhiều cơ hội sang Brazil học tập hơn”.

Trong khi đó, Hữu Đạt tâm sự sau khi trở về VN sẽ sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cho bất cứ bạn sinh viên nào yêu thích ngôn ngữ Bồ Đào Nha cũng như đất nước Brazil để các bạn có thể mạnh dạn sang Nam Mỹ học tập.

Kỳ tới: Chúng tôi như một gia đình

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp