Hai cụ già vẫn đeo khẩu trang phòng dịch khi chơi bài trong công viên Juan Carlos ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha hôm 30-5 - Ảnh: TÔ HOÀNG
Những giọt nước mắt sung sướng đã rơi trên má những người bà khi lần đầu tiên được nhìn thấy đứa cháu mới sinh của mình dù chỉ sống cách nhau vài chục cây số; hay những người con lần đầu tiên được trở về thăm cha mình trong viện dưỡng lão ở quê nhà.
Còn nhớ nửa đêm ngày gỡ bỏ lệnh phong tỏa, hàng nghìn người Madrid tụ tập tại quảng trường Mayor reo hò, nhảy múa để kỷ niệm ngày lịch sử này - ngày đánh dấu bước ngoặt trong đời sống của người dân Tây Ban Nha, đánh dấu việc cuộc sống đang dần trở lại bình thường như trước đây vốn có.
Cũng như người dân Tây Ban Nha, dù vẫn còn nhiều lo ngại nhưng việc được tự do đi lại cũng mang lại cho người dân châu Âu một niềm hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Sau những chập chững ban đầu, chiến dịch tiêm vắc xin của các nước châu Âu đã dần trở thành "cứu cánh" khi tốc độ lây nhiễm tại châu Âu đang giảm dần. Với tốc độ tiêm vắc xin như hiện tại, các lãnh đạo châu Âu đang bàn về việc cấp "hộ chiếu vắc xin", một tờ giấy cho phép người sử dụng đã được tiêm vắc xin được tự do đi lại giữa các nước EU - một điều vốn dĩ rất đỗi bình thường trước đây nhưng trong hơn một năm nay lại là điều xa xỉ.
Cho dù đã rút ra các bài học từ chính bản thân mình và từ thành công của các nước khác ở châu Á, và dù đã áp dụng các biện pháp truy vết, cách ly, phong tỏa, nhưng nhiều nước châu Âu vẫn không tránh khỏi những làn sóng thứ 2, thứ 3, thậm chí thứ 4 của dịch COVID-19.
Chỉ cho đến khi chiến dịch tiêm vắc xin được đẩy mạnh, số người được tiêm chủng đạt đến một con số nhất định, nhất là trong số những người cao tuổi - những đối tượng vốn dễ bị tổn thương nhất từ dịch COVID-19 này.
Các biện pháp giãn cách có thể giúp khống chế dịch bệnh, giảm số người nhiễm bệnh, nhưng chỉ có vắc xin mới là liều thuốc để đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Nhờ sớm đặt cược vào vắc xin cộng với nguồn lực tài chính dồi dào, các nước châu Âu dường như đã bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Chỉ riêng ở Tây Ban Nha, phần lớn những người cao tuổi trên 60 đã được tiêm vắc xin và Chính phủ Tây Ban Nha đã lạc quan tuyên bố mục tiêu tiêm chủng 70% dân số - con số được nhiều nhà khoa học cho là có thể bắt đầu tạo miễn dịch cộng đồng - sẽ đạt được trong mùa hè này.
Nếu như đâu đó vẫn còn sự hoài nghi và e ngại đối với vắc xin, sau khi chứng kiến những gì dịch bệnh đã gây ra với bản thân mình, sự chấp thuận của người dân châu Âu đối với vắc xin là điều không có gì là ngạc nhiên.
Lời nói của một cụ già hơn 80 tuổi tự ngồi xe lăn xếp hàng chờ đến lượt tiêm vắc xin ở Barcelona đã nói lên tất cả: so với cái chết cận kề khi nhiễm bệnh thì những phản ứng phụ của vắc xin có là gì. Có lẽ khi đã trải qua những giờ phút khó khăn nhất thì mới có thể đo đếm được đâu là điều đáng làm trong cuộc sống này.
Nụ cười đã dần trở lại và người dân châu Âu đã có thể hy vọng về một mùa hè mới, nhưng dường như sự lo âu vẫn còn trong lòng mỗi người. Dù các quy định về giãn cách xã hội đã giảm bớt, nhưng những khuyến cáo của chính phủ vẫn không thừa và người dân vẫn tự nguyện thực hiện vì biết rằng dịch bệnh vẫn có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào.
Những cụ già dù ngồi sưởi nắng và tán chuyện với bạn bè trong công viên vẫn đeo khẩu trang và tế nhị giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn cho người thân và ngay cho chính bản thân mình.
Và với việc dịch bệnh đang bùng phát trở lại ở Anh, những người dân ở đây đều biết rằng dù đã nhìn thấy ánh sáng nhưng chặng đường đi đến cuối đường hầm vẫn còn dài vì hơn ai hết, người dân châu Âu là những người sớm thấm thía nhất cái giá phải trả của dịch bệnh là như thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận