01/01/2021 08:00 GMT+7

Thu phí không dừng giai đoạn 2: Viettel đã triển khai nhanh gần 2 năm so với giai đoạn 1

PV
PV

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá hệ thống thu phí đường bộ điện tử không dừng giai đoạn 2 mang tên ePass vận hành đồng loạt tại 35 trạm thu phí trên cả nước là nỗ lực rất lớn của Viettel trong thực hiện mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Thu phí không dừng giai đoạn 2: Viettel đã triển khai nhanh gần 2 năm so với giai đoạn 1 - Ảnh 1.

Ông Lê Đình Thọ, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Việc triển khai thu phí điện tử không dừng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ cũng là một phần của chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đây cũng là một trong những lĩnh vực trọng yếu cần ưu tiên trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Sau khi dự án thu phí không dừng ePass được vận hành toàn hệ thống, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, Tổng trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã có những đánh giá tích cực về quá trình thực hiện dự án này.

* Ngày 29-12, hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 mang tên ePass do tập đoàn Viettel triển khai, đã chính thức được đưa vào vận hành đồng loạt tại 35 trạm thu phí trên cả nước. Việc này giúp Việt Nam cơ bản đã "phủ kín" ETC trên các trạm thu phí. Xin Thứ trưởng cho biết lợi ích của việc thu phí không dừng là gì?

- Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Công nghệ thu phí không dừng không phải mới với thế giới, nhưng với Việt Nam là mới. Có thể nói chúng ta đã là rất mạnh dạn đưa công nghệ mới vào quản lý nhà nước về giao thông vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ. Điều này sẽ hạn chế sự tác động của con người vào một số lĩnh vực mang tính chất nhạy cảm.

Việc áp dụng thu phí không dừng cũng nhằm giảm hạn chế nguồn nhân lực, nhân công trong hoạt động thu phí rất thủ công, đưa công nghệ vào thay thế nguồn nhân lực này là rất phù hợp với xu thế tất yếu của khu vực và thế giới; hướng đến một nền văn minh, hiện đại và đồng bộ và hướng tới giao thông thông minh.

* Dự án thu phí không dừng đã mất 5 năm để triển khai và có những giai đoạn rơi vào bế tắc khi doanh nghiệp cấp dịch vụ thu phí không dừng giai đoạn 1 xin trả lại dự án. Vừa qua, Viettel - từ một doanh nghiệp viễn thông - CNTT đã tham gia vào lĩnh vực giao thông số khi công bố chính thức triển khai hệ thống thu phí không dừng, ông đánh giá thế nào về những việc mà Viettel đã làm được?

- Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Dự án thu phí điện tử không dừng được chia làm 2 giai đoạn theo hình thức hợp đồng BOO. Giai đoạn 1 (BOO1): đã thực hiện thu phí không dừng tại 44 trạm thu phí. Riêng 4 trạm thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) do nguồn vốn chưa bố trí được Thủ tướng cho triển khai chậm so với tiến độ.

Giai đoạn 2 (BOO2): Do Công ty CP giao thông số Việt Nam của Viettel là nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Với những kinh nghiệm học hỏi từ giai đoạn 1, hành lang pháp lý đã đầy đủ cộng với năng lực, nguồn lực của Viettel, dự án giai đonạ 2 đã được Viettel triển khai rất nhanh, rút ngắn được thời gian gần 2 năm so với giai đoạn 1, đạt được hiệu quả tốt trong giai đoạn 2 về lắp đặt hệ thống thu phí không dừng.

Chúng tôi đánh giá thời gian vừa rồi, từ ban lãnh đạo, tới cán bộ, công nhân của Viettel đã triển khai rất quyết liệt. Ban lãnh đạo của Viettel đã đồng hành cùng chúng tôi tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ, bộ ngành, đến các nhà đầu tư BOT. Ngay cả vấn đề kết nối hệ thống với BOO1 rất khó về mặt kĩ thuật, nhưng trong một thời gian ngắn, Viettel đã làm được. Đây thực sự là nỗ lực rất lớn của Viettel trong việc thực hiện các mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao cho.

Thu phí không dừng giai đoạn 2: Viettel đã triển khai nhanh gần 2 năm so với giai đoạn 1 - Ảnh 2.

Trạm thu phí BOT Hòa Lạc

* Cho đến nay, vẫn chưa có quy định bắt buộc dán thẻ trên ô tô để thu phí không dừng. Vậy lộ trình chuyển đổi thu phí 1 dừng và hệ thống thu phí không đối với chủ phương tiện là như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Huyện: Đúng là việc dán thẻ chưa bắt buộc, nhưng trong tất cả các khung pháp lý đều đã có quy định về việc chủ xe phải tham gia giao thông đúng quy định. Đơn cử như Nghị định 100 của Chính phủ có quy định phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với người lái xe không đủ điều kiện để thu phí tự động đi vào làn thu phí tự động tại các trạm thu phí. Tài xế không dán thẻ đi vào làn thu phí tự động sẽ bị buộc lùi xe và đi sang làn thu phí hỗn hợp, đồng thời sẽ bị lực lượng chức năng phạt "nguội".

Hiện nay, trước các trạm thu phí đều có biển báo về thu phí tự động và nhắc lại 3 lần bằng biển báo hiệu: Biển báo cách trạm thu phí cách 500m, 200m và ngay tại trạm; dưới lòng đường có sơn kẻ vạch mũi tên chỉ dẫn làn thu phí không dừng.

Tất cả những chỉ dẫn nói trên nhằm giúp người tham gia giao thông nhận biết về làn thu phí tự động không dừng và làn thu phí hỗn hợp để đi đúng làn đường. Do đã có hướng dẫn rất cụ thể rồi nên nếu đi sai làn là vi phạm Luật giao thông và sẽ bị xử phạt theo quy định.

Theo tôi người dân nên dán thẻ trên xe để nộp phí điện tử không dừng càng sớm càng tốt. Vì đây là hình thức thu phí thông minh, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm xăng dầu và bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn đầu việc dán thẻ được miễn phí.

Sau này, khi hệ thống thu phí tự động đồng bộ sẽ áp dụng trạm thu phí không barie để lưu thông thông suốt và áp dụng quy định nếu xe không dán thẻ thu phí tự động sẽ không được đi vào đường cao tốc.

Đã đến lúc chúng ta phải áp dụng công nghệ trong quản lý Nhà nước và đời sống xã hội. Vì vậy tôi cho rằng thu phí tự động không dừng là tất yếu. Sang năm 2021 khi cơ sở hạ tầng thu phí hoàn thiện thì sẽ thu hút được người dân dán thẻ và tham gia thu phí tự động không dừng.

* Giao thông thông minh là một trong 3 trụ cột quan trọng để phát triển nền kinh tế của bất kỳ một quốc gia nào bên cạnh giáo dục và y tế. Kết cấu hạ tầng giao thông cũng là lĩnh vực được coi là một trong ba đột phá chiến lược đã được thể hiện trong các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bộ Giao thông vận tải sẽ định hướng thế nào để phát triển giao thông thông minh ở Việt Nam, thưa ông?

- Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Việc thu phí điện tử không dừng mới là giai đoạn bước đầu, thời gian tiếp theo, đối với giao thông vận tải, chúng ta đang hướng tới mô hình giao thông thông minh. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao để quản lý, điều hành giao thông là rất cần thiết. 

Chúng tôi rất cần những đối tác có tiềm lực mạnh về công nghệ, kĩ thuật hỗ trợ, triển khai nhiều dự án và ứng dụng nhiều tiến bộ trong khoa học kĩ thuật trong lĩnh vực giao thông như Viettel. Là tập đoàn công nghệ đi đầu Việt Nam, Viettel không chỉ thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho vấn đề an ninh quốc phòng, phục vụ cho 1 số lĩnh vực khác, mà hiện nay Viettel bắt đầu tham gia phát triển các sản phẩm giao thông.

Chúng tôi đánh giá rất cao Viettel, tuy mới tham gia vào phát triển giao thông thông minh, nhưng kết quả bước đầu cho thấy chúng ta đã thực hiện chuyển đổi số theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Mục tiêu của chúng ta là cách mạng khoa học công nghệ 4.0, có thể nói Viettel là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này, giúp đất nước thay đổi một cách nhanh chóng. 

Ngành giao thông chúng tôi cũng kì vọng có các đơn vị như Viettel đồng hành cùng với chúng tôi đưa giao thông thông minh vào đối với ngành, để thực hiện việc quản lý, khai thác. Đây chỉ là 1 sản phẩm đầu tiên trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chúng tôi còn 5 lĩnh vực rất cần đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác, ví dụ như hàng không, hàng hải, đường thủy, đường sắt để phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp