Ngành xây dựng nói khó thu phí khí thải từ các nhà máy. Trong ảnh: Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Nam Trần
Tuy nhiên, đến nay hầu hết các bộ, ngành đều lo ngại rất khó thu loại phí này, sự công bằng trong chính sách thu và tình trạng thuế chồng phí, phí chồng phí. Nhiều chuyên gia nhận định phí khí thải sẽ tác động tới hầu hết người dân, doanh nghiệp trên cả nước.
Ông Nguyễn Quang Cung (chủ tịch Hiệp hội Ximăng VN):
Cân nhắc thời điểm thu
Ông Nguyễn Quang Cung
Các doanh nghiệp sản xuất ximăng hiện đang phải đóng thuế bảo vệ môi trường, nên việc thu thêm phí khí thải cần cân nhắc hài hòa. Việc thu phí khí thải cần tập trung về một đầu mối, mức thu phí phải dựa trên số liệu phát thải cụ thể của từng nhà máy, phát thải lớn nộp nhiều phí, phát thải ít nộp ít phí hơn, chứ không thể thu đồng đều theo công suất của nhà máy.
Làm được điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, hạn chế phát thải ra môi trường. Vì thế các bộ, ngành phải yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải online tại các nhà máy, từ đó cơ quan quản lý có thể giám sát, theo dõi mức độ phát thải của các nhà máy ra môi trường và quyết định mức thu phí khí thải phù hợp.
Bên cạnh đó, cần tạo ra một cơ chế thu phí khí thải phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho công nghệ sản xuất, giảm phát thải, làm sạch môi trường trong dài hạn. Còn nếu thu theo đầu nhà máy, đầu xe cộ thì thu được phí nhưng không đạt được mục đích làm sạch môi trường.
TS Ngô Trí Long (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả):
Thêm phí, nhiều doanh nghiệp không chịu nổi
TS Ngô Trí Long
Ban hành quy định thu phí khí thải là cần thiết để ngăn chặn tình trạng sử dụng máy móc, dây chuyền, công nghệ sản xuất lạc hậu. Luật bảo vệ môi trường đã quy định việc thu phí khí thải, nhưng khi điều chỉnh chính sách thu ngân sách các bộ phải cân nhắc thu đúng thời điểm, không thể chỉ vì miễn giảm các loại phí, lệ phí dẫn tới hụt thu mà quyết định thu phí khí thải.
Đây là giai đoạn phục hồi kinh tế, các bộ, ngành phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh và duy trì nguồn thu để phát triển. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc ban hành quy định để thu phí khí thải ngay trong năm nay cần phải xem lại. Nếu quyết định thu phí khí thải, doanh nghiệp bị tác động kép, vừa ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa phải nộp thêm phí thì nhiều doanh nghiệp không chịu nổi.
Các chính sách ban hành đều có sự đánh đổi, nhưng trong bối cảnh khôi phục nền kinh tế cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất kinh doanh, thu thêm phí khí thải lúc này là bất cập.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh:
Quan trọng nhất là sức chịu đựng của người nộp thuế, phí
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh
Về nguyên tắc, luật đã ban hành thì phải thực hiện, đề xuất thu phí khí thải là hợp lý nhưng không đồng nghĩa với việc tính phí ngay, hiện cũng thiếu cơ sở để thu phí. Tiếp đó, cần xem xét mức tính phí cho hợp lý trong từng giai đoạn, việc xác định mức thu phí khí thải cũng phải cân đối với các loại thuế, phí đã thu.
Mức thu phí khí thải phải khác nhau giữa các ngành, lĩnh vực. Những ngành ưu tiên phát triển có thể miễn hoặc giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Hơn nữa, cần xem lại trong luật có quy định không. Luật không quy định thì không được thu. Khi áp dụng thu phí khí thải với ôtô, xe máy, xe cơ giới cũng cần cân nhắc cho phù hợp. Điều quan trọng nhất khi ban hành một chính sách thu thuế, phí là sức chịu đựng của đối tượng nộp các khoản thuế, phí.
Ông Nguyễn Văn Quyền (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN):
Phí chồng thuế
Ông Nguyễn Văn Quyền
Trong giá xăng dầu hiện nay đã có thuế bảo vệ môi trường. Mức thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng/lít xăng, chiếm tỉ trọng cao trong giá nhiên liệu. Trong khi xe cộ sử dụng xăng dầu đã nộp thuế bảo vệ môi trường, giờ thu thêm phí khí thải là không hợp lý.
Thuế bảo vệ môi trường dùng cho công tác bảo vệ môi trường, thu phí khí thải cũng để bảo vệ môi trường là phí chồng thuế. Các lĩnh vực khác phát thải ảnh hưởng môi trường thì nên thu thêm, chứ với ôtô, xe máy và các loại xe cộ của người dân sử dụng hằng ngày thì không nên thu nữa.
Trường hợp nếu thấy mức thuế bảo vệ môi trường trong giá nhiên liệu chưa đủ cho công tác bảo vệ môi trường thì có thể điều chỉnh hợp lý. Ban hành thêm một loại phí bảo vệ môi trường với ôtô, xe máy và các loại xe cộ khác sẽ gây chồng chéo trong quản lý, tăng chi phí trong tổ chức thu.
Ông Nguyễn Công Thịnh - vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng - cho hay việc thu phí khí thải rất phức tạp trong xác định cách thu, mức thu, đảm bảo công bằng trong chính sách thu. Trong khi đó, thời gian để các bộ đề xuất phương án thu rất ngắn. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp khai thác than làm nhiên liệu, khai thác khoáng sản để làm vật liệu xây dựng đều đã đóng thuế bảo vệ môi trường.
Một khó khăn khác trong xây dựng mức thu, cách thu phí khí thải, theo ông, là thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu để xác định mức thu phí khí thải nên dễ dẫn đến phản ứng của xã hội. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng quản lý 82 dây chuyền sản xuất ximăng trên cả nước nhưng không doanh nghiệp nào trực tiếp báo cáo số liệu quan trắc môi trường xả thải cho Bộ Xây dựng và các sở địa phương.
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, có hai cách thu phí khí thải: thứ nhất, thu theo lượng khí thải phát ra đối với các doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc online; thứ hai là thu qua nhiên liệu đầu vào. Khó khăn nhất hiện nay là đánh giá tác động của chính sách thu phí khí thải sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp thế nào, chi phí thu, cách thức thu.
Ngành giao thông: Cần làm rõ nhiều vấn đề
Đại diện Vụ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết cơ quan này đã có văn bản đề xuất phương án thu phí khí thải đối với ôtô, xe máy, các loại xe cơ giới trình lãnh đạo bộ xem xét gửi Bộ Tài nguyên và môi trường tổng hợp.
Quan điểm của Bộ GTVT là đã có thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu rồi, nếu thu thêm phí khí thải với ôtô, xe máy và các loại xe cộ khác phải hết sức cân nhắc. Số liệu của Bộ GTVT ghi nhận tổng số ôtô, xe máy, môtô đã đăng ký tại cơ quan công an trên cả nước đến ngày 14-3-2020 là 4.419.000 ôtô, 62.900.000 môtô, xe máy. Nếu thu phí khí thải với ôtô, xe máy và môtô, sẽ có hàng chục triệu người dân phải nộp thêm phí.
Xe cộ đã đóng phí môi trường trong xăng dầu, thu nữa có hợp lý? - Ảnh: Nam Trần
Trong khi đó, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng tất cả xe cơ giới đường bộ đã nộp thuế bảo vệ môi trường khi sử dụng xăng, dầu, mỡ nhờn và đề nghị Bộ Tài chính cần làm rõ mục tiêu, đối tượng của thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của xe cơ giới đường bộ. Kinh phí thu được sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Cũng theo Tổng cục Đường bộ, đây là khoản thu mới phát sinh đề xuất, là vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến chi phí của người dân, sẽ có tác động sâu rộng trong xã hội nên cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ ở giai đoạn hiện nay.
Tương tự, trong văn bản vừa gửi tới Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm VN cho rằng các loại phương tiện giao thông dùng động cơ xăng và diesel đều có phát thải ra môi trường ở mức độ khác nhau. Việc tính toán, đo đếm, đánh giá hàm lượng, khối lượng, mức độ phát thải, mức độ độc hại, mức độ gây tác hại đối với môi trường của từng loại cũng như xác định khả năng tiếp nhận của môi trường bị tác động là một việc làm vô cùng khó khăn mà Cục Đăng kiểm VN không có đủ năng lực để thực hiện. Do đó, Cục Đăng kiểm không thể tính toán và đề xuất mức phí đối với các loại phương tiện giao thông.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình cho rằng trong trường hợp một cơ quan chuyên môn của Nhà nước đủ khả năng tính toán, xác định và đề xuất mức phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại điều 148 Luật bảo vệ môi trường và cơ quan có thẩm quyền giao Cục Đăng kiểm VN tổ chức thu phí thì cục sẽ có giải pháp.
Ông Nguyễn Công Thịnh - vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng - cho hay việc thu phí khí thải rất phức tạp trong xác định cách thu, mức thu, đảm bảo công bằng trong chính sách thu. Trong khi đó, thời gian để các bộ đề xuất phương án thu rất gắn. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp khai thác than làm nhiên liệu, khai thác khoáng sản để làm vật liệu xây dựng đều đã đóng thuế bảo vệ môi trường.
Một khó khăn khác trong xây dựng mức thu, cách thu phí khí thải, theo ông, là thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu để xác định mức thu phí khí thải nên dễ dẫn đến phản ứng của xã hội. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng quản lý 82 dây chuyền sản xuất ximăng trên cả nước nhưng không doanh nghiệp nào trực tiếp báo cáo số liệu quan trắc môi trường xả thải cho Bộ Xây dựng và các sở địa phương.
Theo ông Thịnh, có hai cách thu phí khí thải: thứ nhất, thu theo lượng khí thải phát ra đối với các doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc online; thứ hai là thu qua nhiên liệu đầu vào. Khó khăn nhất hiện nay là đánh giá tác động của chính sách thu phí khí thải sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp thế nào, chi phí thu, cách thức thu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận