Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết như vậy tại buổi thông tin báo chí của Thành uỷ Hà Nội chiều 17- 2 về đề nghị được thu phí Đại lộ Thăng Long của UBND TP Hà Nội lên Thủ tướng trước đó.
Theo ông Tân, trước đây phương án được phê duyệt khi bắt đầu đầu tư tuyến đường trên thì sẽ thu phí để hoàn vốn đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, đó là thời điểm trước khi có nghị định 18 về quỹ bảo trì đường bộ. Nhưng sang năm 2013 khi Qũy bảo trì đường bộ đi vào hoạt động thì Hà Nội phải báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem có tiếp tục thu phí đại lộ Thăng Long hay không. Việc này phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Tân cũng giải thích thêm, việc thu phí trên đại lộ này không nhằm mục đích để duy tu, bảo dưỡng đường (chủ trương này thuộc phạm vi của Qũy bảo trì đường bộ) mà để thu hồi vốn đầu tư cho hệ thống giao thông thông minh (ITS), hay hệ thống cây xanh, ánh sáng trên đại lộ. Trong thời gian tới Hà Nội sẽ triển khai toàn bộ hệ thống ITS trên các tuyến đường cao tốc, trong đó Đại lộ Thăng Long sẽ được thực hiện thí điểm đầu tiên. Việc áp dụng hệ thống này là rất cần thiết, nếu không có hệ thống quản lý hiện đại nguy cơ tai nạn giao thông rất cao, mức độ mất an toàn vô cùng lớn trên tuyến đường hiện đại, tốc độ lưu thông cao.
Theo tính toán ban đầu, kinh phí đầu tư cho hệ thống ITS cho đại lộ Thăng Long khoảng 210 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Tân cho biết hiện vẫn chưa có quyết định đầu tư bằng vốn ngân sách hay xã hội hóa. “Đương nhiên nếu đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ không thu phí, còn nếu theo hình thức xã hội hóa, sẽ phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” – ông Tân nói.
Ông Tân cũng cho biết, Quỹ bảo trì đường bộ ở Hà Nội đang triển khai chậm hơn so với các tỉnh thành khác. Hiện Hà Nội chưa có tài khoản, chưa có nguồn quỹ này nhưng theo dự tính Hà Nội phải cần tới 70.000 tỉ đồng phục vụ cho việc bảo trì giao thông.
Đại lộ Thăng Long (dài gần 29,264 km, trước đây gọi là đường Láng – Hoà Lạc) được hoàn thành đưa vào sử dụng từ 10-2010. Tổng mức đầu tư của dự án là 7.527 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương là 1.840 tỉ đồng và nguồn vốn của TP Hà Nội là 5.687 tỉ đồng. Theo thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý về quản lý, sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 1-1-2013 ( khi bắt đầu thu phí theo đầu xe cho quỹ bảo trì đường bộ) thì bãi bỏ việc thu phí đường bộ với các tuyến đường bộ được đầu tư bằng vốn ngân sách như Đại lộ Thăng Long.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký gửi Thủ tướng văn bản xin thu phí Đại lộ Thăng Long nhằm hoàn vốn đầu tư tuyến đường cho ngân sách thành phố và tạo nguồn thu để quản lý, duy tu, sửa chữa tuyến đường, duy trì công tác quản lý điều hành hệ thống ITS trên tuyến đường này. Các hiệp hội vận tải và dư luận đã phản đối mạnh mẽ đề xuất trên vì không đúng tinh thần nghị định Quỹ bảo trì đường bộ (bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước) và thông tư 197 về thu phí sử dụng đường bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận