26/05/2020 09:25 GMT+7

Thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, loại bỏ dần xe sử dụng xăng dầu

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO – Chính phủ vừa trình Quốc hội dự luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều quy định mới đáng chú ý.

Thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, loại bỏ dần xe sử dụng xăng dầu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh: VIỆT DŨNG

"Luật bảo vệ môi trường (BVMT) hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà trình bày trước Quốc hội sáng nay 26-5.

Môi trường không còn khả năng tiếp nhận chất thải

Ông Hà cho biết: "Chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp".

Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn môi trường, ông Hà khẳng định dự luật "đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường".

"Dự án luật góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Dự luật quy định tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về BVMT. Dự thảo luật đã bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, bao gồm đối tượng, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, trong đó làm rõ chỉ những dự án có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện.

Cụ thể là: dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; dự án đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư; dự án đầu tư xây dựng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường (ĐMT) và thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Dự thảo luật trình Quốc hội cũng đã thu hẹp đối tượng phải thực hiện ĐMT chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Loại bỏ dần xe sử dụng xăng dầu ?

Đối với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, dự luật quy định khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo 5 loại để từ đó có các quy định quản lý cụ thể nhằm thúc đẩy việc phân loại, nâng cao hiệu quả tái chế, quản lý chất thải rắn.

Cụ thể chất thải rắn có khả năng tái chế (như giấy, nhựa, kim loại, cao su, nilông, thủy tinh,...); chất thải hữu cơ (thức ăn thừa, rau, củ, quả, thực phẩm thừa khác); chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

"Quy định cách tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh và cách thức quản lý phù hợp với đặc điểm khu vực đô thị và nông thôn", Bộ trưởng Hà cho biết.

Dự luật cũng quy định giao Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải lắp ráp, nhập khẩu, đang lưu hành.

Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và lộ trình áp dụng quy định này cho các tuyến đường đã được xây dựng.

Dự luật cũng quy định UBND cấp tỉnh có các đô thị đặc biệt, đô thị loại I phải có giải pháp phân luồng giao thông theo loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu chuẩn khí thải, năm sử dụng để hạn chế ô nhiễm môi trường không khí; bố trí các trạm rửa xe trước khi vào nội thành, nội thị; lộ trình loại bỏ các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội "thống nhất với quan điểm của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn để bảo vệ tốt hơn sức khỏe con người và đạt mục tiêu người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới".

Chủ nhiệm ủy ban Phan Xuân Dũng nói: "Tuy nhiên, đây là vấn đề có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thu hút đầu tư, do đó đề nghị nghiên cứu, cân nhắc việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật chất thải; rà soát quy định bảo đảm rõ ràng, cụ thể trong nguyên tắc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với chất thải, quản lý chất thải  để các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động lựa chọn phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm thiểu rủi ro".

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp