26/04/2017 08:31 GMT+7

Thủ phạm 'người Việt xấu xí' là do xe máy?

TRÚC NGUYỄN
TRÚC NGUYỄN

TTO - Theo bạn đọc Trúc Nguyễn, những thói hư tật xấu người Việt bị tiêm nhiễm từ việc đi xe máy, đó là: tùy tiện không biết nhường nhịn; dễ nổi nóng khi xảy ra va chạm; giỏi luồn lách bất chấp luật lệ,...

Rừng người đi xe máy chen chúc tìm lối ra - Ảnh: HỮU KHOA

Nhằm góp thêm một góc nhìn về đang dậy sóng, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này của bạn đọc Trúc Nguyễn.

"Sau khi đã hoàn thành sứ mệnh, đã đến lúc xe máy bị nêu 'đích danh' là nguyên nhân của vấn nạn kẹt xe kiểu 'cuộn chỉ rối', là loại phương tiện chiếm nhiều diện tích lưu thông, là kẻ giết người thầm lặng"...

Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, điều đó vẫn chưa đủ. Phải thẳng thắn với nhau rằng người Việt Nam chúng ta do việc sử dụng xe máy tràn lan mà tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu.

Tại sao vậy?

Một nghiên cứu xã hội học chỉ ra rằng một ngày ở thủ đô Tokyo Nhật Bản, có hàng chục triệu thậm chí hàng trăm triệu hành vi tham gia vào hoạt động đô thị, nhưng cơ bản thì trật tự của "siêu đô thị" Tokyo (xấp xỉ 15 triệu dân) được vận hành một cách trơn tru: giao thông an toàn thuận lợi, trật tự đô thị bảo đảm, văn minh công cộng đúng chuẩn... Tokyo luôn luôn làm vui lòng khách đến hài lòng khách đi. 

Đạt được điều đó là do Tokyo có một hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội phát triển và một định chế quản lý đô thị khoa học...

Nhưng điều không kém phần then chốt là do cư dân Tokyo có ý thức tự giác cao trong việc tuân thủ luật pháp và tuân thủ các quy định văn minh công cộng. Hàng triệu ôtô chạy ngoài đường đều đi về bên trái (chiều thuận theo quy định của Nhật Bản), triệu người như một đều dừng xe nhường đường cho người đi bộ nơi có vạch kẻ qua đường, triệu người như một không vô cớ bấm còi xe...

Nói cách khác là người dân biết làm chủ "cái tôi" của mình trong mối hài hòa với "cái tôi" tổng thể của xã hội tạo ra một đô thị êm ru, chất lượng sống cao. 

Xét dưới bất kỳ khía cạnh nào, đó là các yếu tố còn thiếu và rất thiếu ở đô thị Việt Nam.

Với hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng con người nghèo nàn và lạc hậu, thay vì chúng ta tạo ra cơ chế quản lý theo khuynh hướng hạn chế và kiểm soát "cái tôi", thì ngược lại chúng ta đang phát triển một "xã hội xe gắn máy" tràn lan, chẳng khác nào khuyến khích một người cưỡi lên trên một "cái tôi" lao ra đường, tạo ra cảnh "những chiếc quan tài di động" trên đường phố, giao thông hỗn loạn vô luật pháp.  

Những thói hư tật xấu người Việt Nam chúng ta bị tiêm nhiễm từ việc đi xe máy là gì? Đó là tính tùy tiện không biết nhường nhịn, bằng mọi giá lao lên phía trước. Đó là tính thiếu kiên nhẫn, thiếu kiềm chế, dễ nổi nóng khi xảy ra va chạm. Đó là ngang nhiên giành quyền ưu tiên lưu thông của người khác, giỏi luồn lách bất chấp luật lệ, vừa chạy xe vừa hút thuốc, khạc nhổ,..

Thanh niên đàn ông đã đành mà không ít chị em phụ nữ ngày nay khi ra đường đều chứng tỏ mình là những tay lái lụa không kém cạnh gây cảm giác ớn lạnh cho nhiều bác tài, nhất là khi các cô các bà đưa đón con đi học mà bị trễ giờ.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thanh mai, dịu dàng ngày xưa từ đó cũng bị nhạt nhòa đi nhiều phần! Nguy hiểm hơn là cái "văn hóa" đi xe gắn máy tiêm nhiễm dần vào tính cách người dùng, cho nên khi buông cái xe ra thì người ta cũng mang theo lối hành xử thô lỗ khiếm nhã đó vào cuộc sống xã hội và vào sinh hoạt gia đình.

Điều đặc biệt nguy hiểm là sự thô lỗ, khiếm nhã tràn lan phổ biến, lâu ngày trở thành chuyện bình thường ở nước ta! Trong cái nhìn của du khách nước ngoài, hình ảnh người Việt Nam trở nên xấu xí, họ tìm cách xa lánh người Việt Nam nơi đông người... phải chăng là do căn nguyên từ đây!? 

Ai cũng công nhận đi xe máy ở Việt Nam thật là thuận tiện nhưng không chịu nghĩ thuận tiện quá sinh ra tùy tiện, tùy tiện cho nên dẫn đến nguy hiểm! Tóm lại, "cái tôi" của đa số người Việt Nam và hạ tầng giao thông của đô thị TP.HCM không phù hợp với việc phát triển xã hội xe gắn máy.

Hay nói cách khác, một xã hội xe gắn máy đang hủy hoại nhân cách đạo đức của người Việt! Cựu HLV tuyển bóng đá Việt Nam người Nhật Bản - ông Miura - từng khuyên các học trò của ông hạn chế di chuyển bằng xe gắn máy là để tránh những tác hại nêu trên. 

Tôi có niềm tin rằng nếu chúng ta xây dựng thành công một hệ thống giao thông công cộng khoa học, chấn chỉnh lại trật tự văn minh đô thị và tuyên chiến với xe máy thì khoảng năm mười năm sau nhân cách và tác phong của người Việt Nam sẽ được cải thiện.

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!

 

TRÚC NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp