10/10/2019 12:16 GMT+7

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 4: Đồng tiền che mờ nhân tính

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Sáu kẻ lạ mặt đã cầm dao mác và vật nhọn tấn công nhà báo Pratap Patra làm việc cho nhật báo địa phương Samaja lúc 9 giờ tối 30-5-2019 tại bang Odisha (Ấn Độ). Nạn nhân bị chém nhiều nhát vào đầu, ngực, tay.

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 4: Đồng tiền che mờ nhân tính - Ảnh 1.

Nhà báo Pratap Patra được đưa đi cấp cứu hôm 30-5-2019 - Ảnh: CPJ

Mafia cát được xem là một trong số băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất, mạnh nhất và bạo lực nhất ở Ấn Độ.

Phó giáo sư AUNSHUL REGE (Đại học Temple, Mỹ)

Patra cho biết anh bị tấn công có thể do bài điều tra đăng hôm 8-5 về một trùm khai thác cát trái phép ở địa phương, sau đó công ty của người này đã bị phạt 1,6 triệu rupee (23.000 USD).

Một cái chết mờ ám

Khi báo đăng bài điều tra, tay trùm nọ bắn tin đe dọa, nhưng lúc đó Patra không xem là chuyện quan trọng. Đến khi biết công ty nọ cho người dò la xem nhà anh ở đâu, lộ trình di chuyển thế nào, ngày 29-5 Patra đã trình báo sự việc với cảnh sát.

Hôm sau, anh bị chém trên đường về nhà.

Pratap Patra không phải là nhà báo duy nhất bị tấn công vì viết về chủ đề khai thác cát lậu ở Ấn Độ.

Ngày 27-4-2015, Jagendra Singh đưa lên mạng bài viết đầu tiên tố cáo Rammurti Singh Verma - đại biểu cơ quan lập pháp bang Uttar Pradesh - làm ăn phi pháp. Loạt bài của Singh tố cáo Verma thuê mướn công nhân khai thác cát sông Garra và lót tay cho cảnh sát mỗi ngày 10.000 rupee (152 USD) để cảnh sát bỏ qua.

Chiều 1-6-2015, cảnh sát và những người ủng hộ Verma đến nhà Singh ở Shahjahanpur (bang Uttar Pradesh). Ít lâu sau, Singh được chở đi cấp cứu vì bị bỏng hơn 50%.

Băng video ghi hình ở sảnh bệnh viện có lưu lại lời anh nói: "Tại sao lại giết tôi? Bọn khốn đó đã tạt xăng vào tôi. Chúng nhảy qua tường vào nhà. Nếu muốn, chúng có thể bắt tôi".

Bảy ngày sau, Singh tử vong, hưởng dương 46 tuổi. Singh làm báo từ năm 1999 và nhiều lần thay đổi nơi làm việc.

Rahul - con trai của Singh - giải thích: "Đôi khi người ta yêu cầu lãnh đạo báo bỏ bài này, bài khác hoặc chi tiền để lãnh đạo báo làm cách nào đó không đăng bài viết khiến cha rất tức giận".

Sự thật về cái chết của Singh vẫn còn gây tranh cãi. Các nhà báo tham gia nhóm điều tra quốc tế Forbidden Stories đã thu thập lời khai nhân chứng, qua đó nhận ra cái chết của Singh là một phần câu chuyện dài về khai thác cát trái phép ở Ấn Độ.

Gia đình Singh khẳng định anh bị tấn công và bị sát hại, nhưng cảnh sát lại kết luận Singh tự tử. Nhân chứng duy nhất có mặt tại hiện trường là một người bạn gái của Singh lại thay đổi lời khai xoành xoạch.

Vợ Singh cho biết rắc rối bắt đầu từ lúc Singh viết về quan chức Verma. Chị từng khuyên chồng dừng lại, nhưng Singh bảo phải đi đến cùng sự thật. Bất chấp Verma dọa kiện, anh vẫn tiếp tục viết, dù từng có lần người của Verma đã tấn công làm gãy mắt cá chân anh.

Gia đình Singh kể với các nhà báo điều tra rằng vào ngày tang lễ của Singh, con trai Singh đã đệ đơn kiện Verma và 5 cảnh sát về tội cố ý giết người. Nhưng sau đó Verma đã tiếp xúc với gia đình đề nghị thỏa thuận.

Họ cảm thấy bất lực trước quyền lực của Verma và lo sợ cho tương lai con cái, nên đành nhận 3 triệu rupee (44.700 USD) tiền mặt từ Verma với điều kiện phải nói rằng Singh tự tử và rút đơn kiện.

Hiện nay, gia đình Singh đang chia rẽ vì thỏa thuận này. Cô con gái quyết tâm vạch trần vụ cha bị ám sát, nên dứt khoát không xài tiền nhận từ Verma.

Cô tâm sự: "Cha muốn chiến đấu cho công lý và làm điều tốt cho thành phố. Ít ai dám đương đầu với một bộ trưởng bang quyền lực. Thế nhưng cha tôi là một người trong số đó và cha muốn phơi bày sự thật".

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 4: Đồng tiền che mờ nhân tính - Ảnh 3.

Các nhà khoa học xác định lũ lụt hoành hành ở Kerala (Ấn Độ) có nguyên nhân từ nạn khai thác cát bừa bãi - Ảnh: AFP

Bỏ nhà ra đi vì hết cát

Tại bang Tamil Nadu vào năm 2013, nhà báo nữ Sandhya Ravishankar đã viết bài điều tra khẳng định 85-90% sản lượng cát khai thác hợp pháp hay bất hợp pháp ở địa phương đều thuộc độc quyền của gia đình S. Vaikundarajan, chủ Công ty V.V. Mineral ở thị xã Thisayanvilai.

Loạt bài 6 kỳ của cô không ai xuất bản. Cuối cùng, vào tháng 1-2017, trang tin The Wire (Ấn Độ) đã đồng ý đăng bài.

Sandhya Ravishankar bị "chụp mũ" viết bài làm tiền, viết bài theo ý đồ cạnh tranh của các đối thủ Vaikundarajan.

Cô đã nhiều lần bị đe dọa: "Những người khai thác cát đã thuê 5 cơ quan thám tử bám theo tôi. Họ công bố hình ảnh tôi tiếp xúc với nguồn cung cấp tin trong quán cà phê. Xe máy của tôi bị phá hoại".

Công ty của Vaikundarajan bác bỏ hết mọi cáo buộc. Người phát ngôn của ông chủ Vaikundarajan đổ thừa cho biến đổi khí hậu: "Chúng tôi là doanh nghiệp duy nhất hoạt động có giấy phép môi trường hợp lệ... Tình trạng suy thoái môi trường là chuyện tưởng tượng được lan truyền với ý đồ xấu".

Sandhya Ravishankar khẳng định thật ra tác hại của nạn khai thác cát vô tội vạ ở bang Tamil Nadu đã nhãn tiền. Các cồn cát biến mất dần. Biển ngày càng xâm lấn vào đất liền.

Không có hàng rào cát tự nhiên, bờ biển bị xói lở, dân cư sống ven biển phải dời nhà vào sâu bên trong. Nước mặn xâm nhập vào nước ngầm, nên nông dân không trồng chuối được. Nhiều người phải đành lòng bán đất đi nơi khác sinh sống.

Trong báo cáo với tiêu đề "Cát và phát triển bền vững" công bố hôm 7-5-2019 tại Genève (Thụy Sĩ), Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) khẳng định cát là nguồn tài nguyên thứ hai được sử dụng nhiều sau nước, tuy nhiên tình hình khai thác cát quá mức đã tác động đáng kể đến môi trường và xã hội, dẫn đến ô nhiễm, lũ lụt, hạ thấp tầng chứa nước và hạn hán ngày một tồi tệ.

Báo cáo nêu rõ: "Khối lượng cát khai thác ngày càng gia tăng và thường là bất hợp pháp từ các hệ sinh thái sông, biển đang gây xói mòn bờ sông và ven biển, đe dọa thủy sản và tính đa dạng sinh học".

Chuyên gia Pascal Peduzzi ở UNEP giải thích: "Lấy cát trên bãi biển sẽ loại bỏ các tuyến phòng thủ tự nhiên chống lại sóng bão và tác động đến ngập lụt. Còn khi bạn khai thác cát sông sẽ làm dòng chảy thay đổi.

Nếu bạn đào dưới đáy sông, động lực của dòng sông thay đổi có thể làm nước chảy chậm lại hoặc chảy nhanh hơn, dẫn tới lũ lụt thường xuyên hơn hoặc dữ dội hơn, hoặc thậm chí là hạn hán. Tình trạng xói mòn bờ biển có thể kéo dài nhiều chục năm sau khi khai thác cát".

Nhà báo bị xe tông chết

Ngày 26-3-2018, tại bang Madhya Pradesh (Ấn Độ), nhà báo Sandeep Sharma làm việc cho kênh truyền hình địa phương News World ở quận Bhind lái xe máy đến dự một sự kiện của chính phủ thì bị một chiếc xe tải chạy tới tông trực diện.

Nạn nhân tử vong trong bệnh viện. Trưởng chi nhánh Vikas Purohit là người chứng kiến. Sandeep Sharma và Vikas Purohit bắt đầu bị người lạ đe dọa, sau khi công bố hai bài viết vào tháng 7 và tháng 10-2017 nêu thực trạng khai thác cát lậu liên quan đến nạn hối lộ cảnh sát.

Trong các nhân vật xả thân bảo vệ môi trường, tù trưởng Raoni Metuktire, 89 tuổi, là người nổi tiếng.

Tháng 9-2019, Quỹ Darcy Ribeiro ở Brazil (quỹ mang tên nhà nhân loại học Darcy Ribeiro) đề cử Raoni làm ứng viên giải Nobel hòa bình vì "ông đã hi sinh cả cuộc đời để bảo vệ quyền lợi của dân bản địa và bảo tồn rừng Amazon".

>> Kỳ tới: Câu chuyện tù trưởng rừng Amazon

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 1: Rừng tàn theo ngọn lửa Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 1: Rừng tàn theo ngọn lửa

TTO - Nhiều người âm thầm bảo vệ môi trường sống trong khi nạn phá rừng, xả rác thải độc hại, khai thác cát bừa bãi… vẫn hết sức nghiêm trọng. Đối xử tệ bạc với thiên nhiên là tự sát, vì vậy Liên Hiệp Quốc đã lập ra "Ngày môi trường sống thế giới".

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp