Nghề trồng mai vàng Yên Tử tại xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cũng nhờ đó mà phát triển những năm gần đây, giúp không ít gia đình đổi đời nhờ giá trị kinh tế cao của loài cây hoa đặc hữu này.
Đổi đời nhờ 'chinh phục' được mai vàng Yên Tử
Hiểu được giá trị của mai vàng Yên Tử, không ít người trồng cây cảnh lâu năm tại xã Bình Khê quyết tâm "chinh phục", nhân giống loài mai vàng Yên Tử.
Trong cái giá rét, mưa phùn của những ngày tháng chạp, ông Trần Ngọc Nam (55 tuổi, trú thôn Đồng Đò, xã Bình Khê) cần mẫn cùng người làm theo dõi, chăm sóc từng cây mai vàng vốn được chăm bẵm kỳ công suốt nhiều năm qua.
Từ hơn 10 năm trước, ông Nam đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua những gốc cây phôi về để hồi sinh, nhân giống. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên cây phôi chết nhiều, vốn liếng cũng từ đây tiêu tán, song ông Nam vẫn quyết tâm theo đuổi và đến năm 2017 thì thành công.
Ngoài ghép cành, ươm giống, ông Nam còn chăm cây trong nhà kính và những hôm thời tiết rét đậm còn phải chong đèn sợi đốt để giữ nhiệt, tránh chết cây.
Đến nay mảnh vườn rộng gần 6.000m² của ông Nam đang có khoảng 2.000 gốc mai vàng Yên Tử, với đầy đủ kích cỡ từ nhỏ đến cổ thụ và 60 gốc có giá trị đến 200 triệu đồng/cây.
Theo ông Nam, dịp Tết Giáp Thìn, gia đình có khoảng 400 cây đủ tiêu chuẩn để đưa vào chậu đem đi bán, giá thấp nhất là 4 triệu đồng/cây, còn những cây tầm trung có giá dao động từ 30 đến 40 triệu đồng/cây.
"Mai vàng Yên Tử đặc biệt hơn những loài mai khác vì bông nở to, cánh dày, số lượng hoa trên một cành rất nhiều và thời gian nở lâu nên được nhiều người ưa chuộng. Cách đây nửa tháng, tôi đã bán bốn cây có giá từ 50 đến 70 triệu đồng cho một số người đặt từ trước" - ông Nam cho biết.
Ông Lê Quốc Ruyến - trưởng Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều - cho biết địa phương hiện có 400ha trồng hoa, cây cảnh, trong đó có hơn 10ha mai vàng Yên Tử.
Cũng theo ông Ruyến, mai vàng Yên Tử là loài cây đặc trưng của địa phương, giúp không ít gia đình "đổi đời" nhờ giá trị kinh tế cao.
Lý giải về sự yêu thích của thị trường với hoa mai vàng Yên Tử, ông Phạm Khắc Huyến - giám đốc Hợp tác xã Mai vàng Ngọa Vân Yên Tử, một trong những người tiên phong trồng mai vàng Yên Tử tại Đông Triều - cho biết cùng thuộc họ mai nhưng so với mai vàng miền Nam thì cây mai vàng Yên Tử hoa chơi bền, cây có sức sống mạnh mẽ, chịu được thời tiết giá lạnh của miền Bắc.
Một điểm nhấn khác là hoa có 5 cánh với mùi thơm thanh mát và còn mang giá trị tinh thần độc đáo, bởi gắn với danh thắng Yên Tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông lựa chọn tu hành.
Để mai vàng Yên Tử nở hoa đúng dịp Tết
Thông thường, mai vàng Yên Tử ra hoa đúng vụ vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, nên để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân, người trong nghề phải áp dụng các kỹ thuật chăm sóc "đặc biệt" nhằm kích thích hoa nở theo ý muốn.
Để hoa nở rực rỡ đúng Tết, ngay từ 15-9 âm lịch, các nhà vườn đã tiến hành "sốc khô", sử dụng chế phẩm sinh học. Khi cách Tết 50-60 ngày, người thợ sẽ vặt lá để kích thích cây ra hoa.
Tuy nhiên, lúc vặt lá đòi hỏi người thợ phải đặc biệt tỉ mỉ và chăm chút, cẩn thận vặt từng chiếc lá, sao cho không làm ảnh hưởng đến nụ hoa nằm giữa những nách lá.
Mai vàng Yên Tử ở xã Bình Khê ngày nay đa dạng về kiểu dáng và mức giá, từ tiền triệu cho đến tiền tỉ. Tại nhà vườn của anh Phan Trung Hoàng - thôn Ninh Bình, xã Bình Khê - đang sở hữu bộ sưu tập mai vàng Yên Tử cổ thụ thuộc hàng quy mô nhất Việt Nam.
Nhà vườn này hiện có khoảng 200 cây mai vàng Yên Tử được tạo tác bonsai nghệ thuật, có những "đại lão" mai vàng lên đến 500 tuổi và được định giá hàng trăm tỉ đồng.
"Thiên phúc Yên Tử", "Hoa rơi cửa Phật" hay "Hồ thiên Yên Tử"… là những tác phẩm mà chỉ nghe tên đã khiến ai cũng phải tò mò, và khi được ngắm nhìn đều muốn nán lại lâu hơn để suy ngẫm.
Anh Hoàng cũng cho biết đã "chữa và hồi phục cho nhiều đại lão mai vàng với tuổi đời hàng trăm năm, trở thành những tác phẩm nghệ thuật, đạt các tiêu chí về cổ, kỳ, mỹ, văn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận