Ông Nguyễn Trung Tiến, tổng cục phó Tổng cục Thống kê, chủ trì buổi họp báo - Ảnh: TR.T.
Thu nhập của người lao động tăng mạnh
Theo đó, người lao động tại TP.HCM có thu nhập bình quân đạt 8,9 triệu đồng/tháng, tăng 36,5%, tương ứng tăng 2,4 triệu đồng/tháng so với quý trước.
Ba địa phương người lao động có thu nhập cao nhất cả nước trong quý 1 năm nay lần lượt là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Theo đó, thu nhập bình quân của người lao động tại Bình Dương trong quý 1 đạt 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 54,0%, tương ứng tăng 3 triệu đồng/người/tháng so với quý trước.
Tương tự, tại Đồng Nai, thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 32,9%, tương ứng tăng 2,1 triệu đồng so với quý trước.
Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động việc làm quý 1 năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân của người lao động cả nước trong quý 1 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân của lao động nam đạt 7,3 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân của lao động nữ đạt 5,4 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, tổng cục phó Tổng cục Thống kê, quý 1 năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý trước, tăng 20,1%, tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, trong quý 1 năm nay cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh thu nhập bình quân của lao động tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động vùng này ghi nhận đạt 5,6 triệu đồng/tháng, tăng 27,8% so với quý trước.
Điều đáng lưu ý, mặc dù trong quý 1 năm 2022 số ca nhiễm COVID-19 tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, nhưng thu nhập của người lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn có mức tăng trưởng khá.
Thu nhập bình quân của lao động tại Hà Nội trong quý 1 ghi nhận đạt 8,5 triệu đồng, tăng 17,4%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng/tháng so với quý trước; lao động tại Bắc Ninh có thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 8,3% và thu nhập của lao động tại Hải Phòng đạt 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,3% so với quý 4 năm 2021.
Người lao động tại TP.HCM có thu nhập bình quân cao nhất, tăng nhanh nhất cả nước trong quý 1 - Ảnh: Q.P.
Hơn 16,9 triệu người chịu tác động tiêu cực bởi COVID-19
Tổng cục Thống kê nhận định, sự phục hồi của nền kinh tế trong quý 1 năm nay đã làm giảm số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh.
Tuy vậy, trong quý 1 năm 2022, cả nước vẫn có hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, giảm 7,8 triệu người so với quý 4 năm 2021.
"Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19", ông Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, trong số hơn 16,9 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,9 triệu người bị mất việc, chiếm 1,2%; 5,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 6,7%; 5,7 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 7,6%, và 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 18,3%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, nhìn chung thị trường lao động quý 1 có những khởi sắc đáng ghi nhận. Quý 1 năm nay, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng 132,2 ngàn người so với cùng kỳ năm trước.
So với quý trước, số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng chủ yếu ở lao động phi chính thức, phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thị trường lao động phục hồi nhanh nhưng chưa thực sự bền vững.
Số người có việc làm phi chính thức chung trong quý 1 ghi nhận được là 33,4 triệu người, tăng 97,5 ngàn người so với quý trước và giảm 992,1 ngàn người so với cùng kỳ năm trước.
Tình trạng thiếu việc làm đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt ở khu vực dịch vụ. Tỉ lệ thiếu việc làm giảm mạnh và đang dần trở lại trạng thái như đã quan sát được ở thời kỳ trước khi đại dịch xảy ra.
Ông Nguyễn Trung Tiến cũng nhận định, việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình phục hồi kinh tế trong quý 1 năm nay làm cho tình trạng thiếu việc làm của người lao động quý đầu năm 2022 được cải thiện, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 1 khoảng 1,3 triệu người, giảm 135,2 ngàn người so với quý trước và tăng 357,5 ngàn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ lao động trong độ tuổi thiếu việc làm quý 1 là 3,01%, giảm 0,36% so với quý trước và tăng 0,81% so với cùng kỳ năm trước.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 năm 2022 khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 ngàn người so với quý trước và tăng 16,7 ngàn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 là 2,46%, giảm 1,1% so với quý trước.
Để khắc phục hạn chế của thị trường lao động, Tổng cục Thống kê kiến nghị triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Đồng thời, cần triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận