16/12/2020 08:16 GMT+7

Thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người: An toàn cho người tình nguyện ra sao?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Thông tin thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người do Hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer và đối tác BioNTech phát triển có một ít người bị tai biến. Tại Việt Nam, việc thử nghiệm vắc xin trên người sắp bắt đầu, chuẩn an toàn ra sao?

Thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người: An toàn cho người tình nguyện ra sao? - Ảnh 1.

Tư vấn cho người tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc xin - Ảnh: L.ANH

Theo tin từ Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hồi tuần qua, có 6 người đã chết trong các cuộc thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 do Hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer và đối tác BioNTech phát triển. 

Nhưng số tử vong trên nằm trong các thử nghiệm có khoảng 44.000 người tham gia, tức tỉ lệ chỉ vào khoảng 0,01% và trong số 6 người chết có 4 người được sử dụng giả dược (tức không liên quan gì đến vắc xin), 2 người còn lại được tiêm vắc xin.

Tại Việt Nam, có bảo hiểm sức khỏe cho toàn bộ người tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19.

Theo ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), hiện đơn vị phát triển vắc xin ngừa COVID-19 ở Việt Nam có tên Nanocovax đã mua bảo hiểm sức khỏe cho toàn bộ người tình nguyện tiêm thử nghiệm đợt này.

Theo ông Quang, hiện có khoảng 200 người đăng ký, đơn vị thực hiện thử nghiệm sẽ khám sức khỏe và chọn khoảng 60 người ở lứa tuổi 18 - 50.

"Thông lệ Việt Nam và quốc tế thì những người tình nguyện thử nghiệm vắc xin đều được mua bảo hiểm sức khỏe, nhưng do đây là loại hình bảo hiểm khá đặc biệt nên ở Việt Nam không có đơn vị cung cấp. Nhà sản xuất vắc xin ban đầu dành riêng khoản tiền 20 tỉ đồng cho việc bồi thường trong trường hợp có vấn đề sức khỏe ở người tình nguyện. Hiện nhà sản xuất vắc xin đã mua được bảo hiểm từ nước ngoài" - ông Quang cho biết.

Cũng theo ông Quang, đây là loại hình bảo hiểm đặc biệt: người tình nguyện tiêm ngừa sẽ được bảo hiểm trong bất kỳ tình huống nào có ảnh hưởng tới sức khỏe, trong thời gian đang được theo dõi tiêm tình nguyện, không riêng lý do ảnh hưởng sức khỏe do vắc xin.

Về các vấn đề có thể xảy ra với người tình nguyện, ông Quang cho biết các tình huống sưng, nóng, đỏ, đau ở vị trí tiêm là phản ứng thường gặp sau tiêm, không được tính là tai biến để bồi thường. Ngoài ra, hiện tượng sốt nhẹ cũng được coi là phản ứng thông thường.

Những phản ứng nặng hơn, ảnh hưởng tới chức năng của cơ thể sẽ được coi là phản ứng sau tiêm. Với vắc xin này, ông Quang đánh giá là vắcxin an toàn qua các báo cáo và dữ liệu tiền lâm sàng.

Trao đổi với báo chí, chị V.T.T.H. - sinh viên năm 3 ngành dược Học viện Quân y, một trong những người đăng ký tình nguyện tiêm thử nghiệm Nanocovax đợt đầu - cho biết là "người trong ngành", chị đã theo dõi rất kỹ tiến trình sản xuất vắc xin này và cho rằng đây là vắc xin an toàn. 

"Tuy nhiên, tôi cũng rất hồi hộp và nếu được tham gia, hi vọng chúng tôi sẽ được góp phần tạo nên vắc xin ngừa COVID-19" - chị H. nói.

Thời tiết xấu ảnh hưởng đến quá trình phân phối vắcxin ở Mỹ

Hãng dược Pfizer và các đối tác đã phân phối những liều vắc xin COVID-19 đầu tiên tới 141/145 điểm tiêm chủng trong ngày tiêm chủng đầu tiên của Chính phủ Mỹ, theo hãng tin Reuters ngày 15-12.

Người phát ngôn của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết các trung tâm y tế tại 4 vùng lãnh thổ Samoa, quần đảo Virgin, quần đảo North Mariana và đảo Guam vẫn đang chờ nhận vắcxin.

Chính phủ Mỹ có kế hoạch phân phối 2,9 triệu liều vắc xin đầu tiên đến 636 điểm tiêm chủng trên toàn quốc trước cuối tuần này và đã hoàn thành 141 điểm trong ngày 14-12. Bang California, Pennsylvania và Ohio đã bắt đầu tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên của bang trong ngày 14-12, theo hãng tin AFP.

Tuy nhiên, tướng Gustave Perna - phụ trách triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Chính phủ Mỹ - cho biết các cơn bão dự báo xảy ra trong tuần này có thể ảnh hưởng việc phân phối đến các điểm tiêm chủng còn lại.

Trong một diễn biến khác, nữ y tá Sandra Lindsay ở thành phố New York đã trở thành người đầu tiên tại Mỹ tiêm vắc xin COVID-19 do Hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech phát triển trong ngày 14-12 (giờ Mỹ).

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller và Thống đốc bang West Virginia Jim Justice cũng trở thành những quan chức cấp cao đầu tiên tiêm vắc xin, với mục đích làm gương và khuyến khích người dân làm theo. Tuy nhiên, thống đốc các bang khác như Tennessee, Ohio, Missouri, Montana, Nebraska và Washington nói rằng họ sẽ chờ tới lượt.

Chương trình tiêm chủng vắc xin của Mỹ ưu tiên cho những người ở tuyến đầu chống dịch, nhân viên y tế và bệnh nhân cao tuổi. Tổng thống Donald Trump cho biết ông chưa lên kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhưng hi vọng có thể "làm như vậy vào thời điểm thích hợp".

Các quan chức Mỹ cho biết 20 triệu người Mỹ có thể được tiêm chủng trước cuối năm 2020, và con số này sẽ lên đến 100 triệu người vào tháng 3-2021.

ANH THƯ

2 ca dị ứng nặng vì tiêm vắc xin Pfizer tại Anh

corona-anh-pfizer-covid-vaccine-81220-afp-16080192209671206366286 1(read-only)

Một y tá chuẩn bị vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech tại Bệnh viện Guy ở London, Anh ngày 8-12 - Ảnh: AFP

Báo Wall Street Journal ngày 15-12 đưa tin các bác sĩ được yêu cầu phải theo dõi các bệnh nhân 15 phút sau tiêm vì có 2 ca dị ứng nặng ngày 8-12, ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Anh.

Theo Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS), các triệu chứng phổ biến của phản ứng dị ứng sau khi tiêm một vắc xin là phát ban, viêm mũi dị ứng như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, khó thở, ho, viêm kết mạc và chảy nước mắt. Trong khi đó, phản ứng dị ứng nặng, hay còn gọi là sốc phản vệ, có thể đe dọa đến tính mạng.

Cơ quan quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh cảnh báo những người có tiền sử dị ứng nặng không nên tiêm vắc xin của Hãng Pfizer, trong khi cơ quan này điều tra về 2 ca dị ứng nặng trên - xảy ra gần như ngay lập tức sau khi được tiêm.

Hai ca này đều là nhân viên của NHS và có tiền sử dị ứng. Hiện cả hai đã hồi phục. Nhà chức trách chưa xác định các phản ứng dị ứng của hai nhân viên này là gì, theo Hãng tin AP.

Trong khi đó tại Mỹ, một giám đốc điều hành của Hãng Pfizer nói với Đài NBC News rằng không có báo cáo về các phản ứng dị ứng trong số những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối tại Mỹ. Khoảng 44.000 người đã nhận 2 liều vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer trong suốt giai đoạn thử nghiệm này.

Hai hãng Pfizer và BioNTech cho biết họ đang hợp tác với các nhà điều tra "để hiểu rõ hơn từng trường hợp dị ứng và nguyên nhân của nó". Các dữ liệu công khai của hai công ty này cho thấy những người có tiền sử dị ứng nặng bị loại khỏi các thử nghiệm.

Cùng với Anh và Mỹ, Canada tuần này đã phê chuẩn và bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phát triển cho người dân trong nước.

Theo Đài NPR (Mỹ), ngày 14-12 Canada bắt đầu triển khai tiêm vắc xin COVID-19, những người đầu tiên được tiêm là người cao tuổi và nhân viên y tế tuyến đầu.

Theo Bộ trưởng phụ trách các dịch vụ và mua sắm công của chính phủ liên bang Anita Anand, tới cuối năm nay Canada sẽ nhận được 249.000 liều vắc xin COVID-19 và tiến tới sẽ tiêm phòng cho 37 triệu dân.

Tháng trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết tới tháng 9 năm sau phần lớn người dân nước này sẽ được tiêm vắc xin.

A.THƯ - D.KIM THOA

6 người thử nghiệm vắc xin của Pfizer đã tử vong, sự thật ra sao? 6 người thử nghiệm vắc xin của Pfizer đã tử vong, sự thật ra sao?

TTO - Trong khi loại vắc xin của Pfizer/BioNTech được một số quốc gia phê duyệt cho tiêm chủng thì giới không thích tiêm vắc xin lại dựa trên thông tin có 6 người chết để biện hộ cho lập luận của mình.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp