Bởi đã từ lâu và trong tương lai, đội ngũ thương lái vẫn đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong ngành lúa gạo Việt Nam.
Cánh tay nối dài của nông dân và doanh nghiệp
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc mua bán lúa hiện nay được thông qua thương lái, hầu như nông dân không thể bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Ngời (ngụ xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, An Giang) cho biết nông dân quan trọng nhất trong mua bán lúa là uy tín của "cò" hay thương lái. Bà con thấy ai năng lực, làm ăn hiệu quả trong thời gian dài thì làm ăn với họ.
"Bà con nông dân quan trọng nhất là chữ tín, làm ăn nhiều vụ, mua sát giá, không hoạnh họe, không cơ hội. Ví dụ thấy giá lúa nhảy lên hoặc xuống là chèn ép nông dân là không được đâu", ông Ngời bày tỏ.
Trong khi đó, nông dân Nguyễn Anh Tuấn (ngụ xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) cho biết ông làm lúa gần 40 năm nay, khi lúa sắp thu hoạch đều có nhiều thương lái đến nhà hỏi mua.
"Người nào chào giá tốt, tôi bán cho người đó. Họ cạnh tranh nhau nên cân lúa cũng rất đàng hoàng, trả tiền ngay sau khi cân lúa. Làm ăn bây giờ mà không giữ chữ tín sẽ bị nông dân tẩy chay ngay.
Càng có nhiều thương lái tốt, nông dân càng khỏe, có nhiều sự lựa chọn hơn. Việc thu mua lúa gạo của thương lái những năm qua vẫn ổn", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng có nhiều thương lái làm rối thị trường, ép giá của nông dân, cần phải có sự kiểm soát và tổ chức lại.
Tại hội thảo "Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo" do Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức vào ngày 3-5, đã có ý kiến thương lái cần phải có chứng chỉ hành nghề hoặc các biện pháp quản lý khác.
Ông Trương Văn Chính - giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (tỉnh Đồng Tháp) - cho biết doanh nghiệp từng bị thiệt hại nặng từ việc thương lái làm xáo trộn thị trường.
Vì có nhiều đơn vị lấy tiền của doanh nghiệp nhưng không mua lúa hoặc đặt cọc lúa của nông dân nhưng không bàn giao doanh nghiệp, đến khi giá lúa tăng cao liền bán cho doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, ông Chính cũng khẳng định ngành hàng lúa gạo không có đội ngũ thương lái là không thành công.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo đâu có rành địa phương bằng thương lái, vì vậy đội ngũ thương lái rất quan trọng, giúp ngành nghề lúa gạo phát triển bền vững nhưng vài năm qua chưa được quan tâm, bỏ sót.
Do đó, ông Chính nhận định: "Phải tổ chức đào tạo, trang bị kiến thức pháp luật cho họ về hợp đồng mua bán lúa để họ biết làm như thế nào là sai phạm".
Tìm cách đưa thương lái vào chuỗi lúa gạo
Trong khi "cò lúa gạo" hay môi giới là những cá nhân am hiểu mùa vụ từng địa phương để tìm đúng các giống lúa do nông dân sản xuất mà thương lái cần, thì thương lái là khái niệm chỉ các cá nhân hay doanh nghiệp đi mua lúa trực tiếp từ người dân rồi đem bán cho các doanh nghiệp xay xát, xuất khẩu.
Có những thương lái lớn làm luôn khâu xay xát gạo nguyên liệu rồi bán cho các đơn vị xuất khẩu. Đây là một thành phần phát sinh khi ngành hàng lúa gạo hình thành ở ĐBSCL và nhiều nơi khác.
Họ là cánh tay nối dài của doanh nghiệp để mua lúa của nông dân, cũng là cánh tay nối dài của nông dân khi muốn bán lúa cho các doanh nghiệp ở cách ruộng hàng chục, hàng trăm cây số.
Nhiều ý kiến băn khoăn việc quản lý đội ngũ thương lái theo kiểu có chứng chỉ hành nghề là chưa cần thiết. Một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở Sóc Trăng (đề nghị không nêu tên) cho rằng không thể phủ nhận vai trò của thương lái trong chuỗi giá trị hạt gạo, họ không khác gì những vệ tinh và cánh tay nối dài.
Nếu không có đội ngũ này sẽ không có các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo. Theo chủ doanh nghiệp này, việc cấp chứng chỉ hành nghề phải được giám sát chặt chẽ, còn nếu không quản lý giám sát tốt sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó lường.
"Hợp đồng đầu tư, thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân được hai bên ký hẳn hoi, có đóng dấu đỏ. Nhưng khi nông dân bẻ kèo cũng đành chấp nhận, làm gì có chuyện kéo nhau ra tòa. Vì vậy quản lý thương lái như thế nào rất cần cân nhắc, cái gì tốt hơn thì làm, còn làm cho rối lên nên tuyệt đối tránh", chủ doanh nghiệp đề xuất.
Ông Võ Quốc Trung (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng) cho rằng trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo, thương lái là chiếc cầu nối, là mắt xích không thể thiếu. Nếu không có thương lái thì 2,1 triệu tấn lúa của tỉnh không biết tiêu thụ vào đâu.
Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 90 hợp tác xã và 479 tổ hợp tác, tuy nhiên việc liên kết tiêu thụ lúa chỉ chiếm 17% tổng diện tích canh tác, chưa ghi nhận nông dân nào liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp bán lúa mà chủ yếu phải thông qua môi giới, thương lái.
Cụ thể, người trồng lúa có ba kênh liên kết tiêu thụ gồm: thông qua hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 5-7%) và môi giới địa phương (90 - 93%). Hai kênh này đều phải thông qua thương lái (mua lúa bán lúa) đến doanh nghiệp kinh doanh chế biến lúa gạo.
Còn kênh thứ ba là tiêu thụ trực tiếp (chiếm 1-2%) đến các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ (sấy, xay xát), nhưng kênh này cũng thông qua thương lái để thực hiện khâu mua lúa rồi bán gạo cho doanh nghiệp.
- Ông Trần Thanh Hiệp (phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang):
Cần được nghiên cứu kỹ
Việc liên kết phát triển bền vững lúa gạo có nhiều thành phần. Đáng chú ý là lượng thương lái rất đông, có nhiều người phối hợp hoạt động rất hiệu quả trong chuỗi ngành hàng.
Tuy nhiên, đối với việc cấp giấy chứng chỉ hành nghề là nội dung mới nên cần có nghiên cứu cho kỹ.
Cấp giấy chứng chỉ hành nghề là thêm điều kiện kinh doanh. Cơ quan nào của Nhà nước sẽ thực hiện cấp và quản lý, đối tượng áp dụng là ai…, những nội dung này tôi nghĩ phải được nghiên cứu kỹ. Mọi ý kiến đều có lợi cho người nông dân, nhưng các loại giấy phải phù hợp với quy định của Chính phủ.
- Ông Nguyễn Ngọc Nam (chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam):
Thương lái phải gắn với chuỗi giá trị lúa gạo
Sản xuất lúa gạo hiện nay đã có những thay đổi rõ rệt về tập quán sản xuất của người nông dân. Hiện nay không còn tình trạng cắt, đập, phơi lúa, chuyển đến nhà máy mà hoàn toàn qua khâu trung gian hết.
Một số thị trường không yêu cầu gạo 5%, gạo 10% hay gạo 25% tấm nữa mà đề nghị giống lúa, gạo cụ thể. Việc cụ thể này thì doanh nghiệp không thể biết hết.
Ở địa phương nào trồng lúa gì dù doanh nghiệp có thông tin nhưng đến thời điểm thu hoạch phải nhờ lực lượng trung gian là thương lái để doanh nghiệp có đủ số lượng lúa đi bán.
Trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, vai trò của thương lái là hết sức quan trọng và vai trò này còn kéo dài, nên việc đưa thương lái vào chuỗi ngành hàng lúa gạo, tôi rất đồng tình.
Tại các hội nghị gần đây, tôi có đề nghị vấn đề này và tôi cho rằng các địa phương sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc liên kết trong chuỗi. Việc quản lý lực lượng thương lái thời gian qua có làm nhưng dường như còn thiếu.
Tôi muốn làm sao sử dụng hệ thống thương lái làm cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp. Để làm được việc này, tôi rất đồng tình cần có sự phối hợp giữa các bên. Còn chứng chỉ hành nghề không biết quy định có cho phép hay không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận