Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng (thứ 2 từ bên phải) trong một kíp trực đêm trên cabin chỉ huy - Ảnh: My Lăng |
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng đang chỉ huy trong một kíp trực đêm khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan - Ảnh: My Lăng |
Gương mặt rất tập trung của thuyền trưởng Hưng (thứ 2 từ bên trái) trong một kíp trực đêm tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan - Ảnh: My Lăng |
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng (bìa phải của ảnh) đang làm nhiệm vụ trên cabin chỉ huy tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan - Ảnh: My Lăng |
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng (bìa phải của ảnh) đang làm nhiệm vụ trên cabin chỉ huy - Ảnh: My Lăng |
Đó là ấn tượng của tôi về thuyền trưởng tàu CSB Việt Nam 8003 - đại úy Nguyễn Văn Hưng.
“Môi trường quân đội giúp mình thành người tốt!“
"Tôi thấy môi trường quân đội đã giúp mình hình thành nên con người tốt" Thuyền trưởngNGUYỄN VĂN HƯNG |
“Ngày tôi nhận lệnh đi ra đây rất gấp. Sáng 5-5, tôi đang tham dự một hội nghị thì gần 9g, chỉ huy trưởng Vùng CSB 1 truyền lệnh của Bộ tư lệnh CSB xuống, yêu cầu tàu 8003 chuẩn bị mọi mặt xong trước 12g cùng ngày để đi làm nhiệm vụ” - đại úy Nguyễn Văn Hưng kể lại. Anh không kịp về nhà, chỉ kịp ứng hai tháng lương nhờ người đưa về cho vợ dù nhà chỉ cách đơn vị gần 3km.
Khoảng 2g sáng 6-5, tàu 8003 có mặt tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan. Gần một tháng ở vùng biển Hoàng Sa, tàu CSB 8003 nhiều lần đối mặt với các loại tàu Trung Quốc, thường xuyên bị tàu 3210 đeo bám, theo sát...
Đại úy Nguyễn Văn Hưng nói đây là chuyến đi rất đặc biệt của mình vì anh vừa mới nhận quyết định lên thuyền trưởng tàu 8003 hơn 10 ngày (cuối tháng 4-2014). Ít ai biết trước khi đỗ Học viện Hải quân, anh Hưng đã học một năm khoa toán (ĐH Sư phạm Hà Nội).
Khi học ở khoa vũ khí Học viện Hải quân, chỉ mới năm nhất anh Hưng là người đầu tiên trong khóa học của mình được kết nạp Đảng. Anh cũng là học viên duy nhất đạt điểm tổng kết loại giỏi của khóa (trên 8). Ở khoa vũ khí không dễ để làm được điều này. Tốt nghiệp đạt loại giỏi, anh là một trong năm người được nhận bằng khen của khoa vũ khí.
Ra trường, thiếu úy Nguyễn Văn Hưng về Vùng CSB 4 (trước đây là Vùng CSB 3) công tác. Sau ba năm, anh quay lại Học viện Hải quân học thêm một năm để chuyển ngạch từ vũ khí sang chỉ huy tàu (năm 2007). Hai năm làm thuyền trưởng tàu CSB 2007 thì cả hai năm (2011, 2012), tàu đều đạt danh hiệu Quyết thắng.
Có một điều khá thú vị, anh Hưng còn động viên cả em trai thi vào Học viện Hải quân. Nói về chuyện này, đại úy Nguyễn Văn Hưng giải thích: “Tôi thấy môi trường quân đội đã giúp mình hình thành nên con người tốt. Khi tôi chuẩn bị ra trường thì em trai sắp thi đại học. Tôi nói em muốn trở thành người tốt, rèn mình thì thi vào quân đội. Môi trường quân đội có tính kỷ luật rất cao. Tôi thấy từ khi vào Học viện Hải quân, ý thức kỷ luật của mình thay đổi rõ ràng. Tôi đã bỏ thói quen, cách nghĩ của thời làm gì cũng ngẫu hứng, tự do. Tính kỷ luật cũng làm con người tôi cứng rắn, trưởng thành lên nhiều”.
Cha con người lính biển
Chữ hiếu của người lính biển Hỏi anh có lúc nào thấy chữ hiếu mình chưa trọn vẹn khi bố đang bệnh rất nặng, còn mình phải đi làm nhiệm vụ dài ngày? Thuyền trưởng tàu 8003 tâm sự: “Tôi không có cảm giác đó. Vì những lúc có thời gian tôi luôn dành sự quan tâm đến bố. Tôi biết rằng nếu ở ngoài này tôi thật sự là một chỉ huy tốt, là con người tốt, hoàn thành công việc tốt, góp phần thật sự vào nhiệm vụ chung của đất nước thì bố sẽ quý hơn là việc tôi ở nhà”. |
Thuyền trưởng tàu CSB 8003 bảo mặc dù bố là lính biển (ông Nguyễn Phong Lưu - thủy thủ đoàn tàu không số) nhưng anh chọn nghề lại không vì ảnh hưởng từ bố. “Nó xuất phát từ chính tâm nguyện của tôi. Khi còn nhỏ tôi rất thích hình ảnh người lính hải quân mặc áo yếm bồng súng, có cánh chim hải âu” - anh Hưng nói. Bố anh hơn 20 năm trong hải quân, là thủy thủ tàu không số chuyên chở vũ khí, lương thực vào chi viện cho miền Nam. Tàu bị đánh bom trong một lần làm nhiệm vụ tại Vũng Rô (Phú Yên), ông mất hẳn thính lực.
“Trong năm đứa con, bố khắt khe với tôi nhất vì tôi là đứa cá tính nhất. Cấp I, cấp II tôi viết chữ xấu, bố bắt xòe bàn tay ra đánh nhưng không đánh đau, chỉ nhẹ nhẹ thôi. Tôi hay bị ăn đòn. Kể cả khi tốt nghiệp học viện, tôi vẫn bị bố đánh đòn”, anh Hưng kể. Đó là lần người bạn thân cùng xóm có con trai mời bạn bè đến uống bia chúc mừng. “Tôi về nhà, nôn, mặc nguyên quần áo nồng mùi bia nằm ngủ. Sáng dậy, bố bắt tôi dọn dẹp, thay quần áo mới rồi nằm lên giường, nằm yên đấy để bố đánh đòn. Bố vẫn đánh theo kiểu dạy con trẻ ngày xưa, vẫn bắt nằm lên giường úp mặt xuống. Tôi hiểu bố nên không giận, không tự ái, dù lúc đó tôi đã ra trường, là sĩ quan. Nhưng từ sau lần đó tôi không bao giờ để bố thấy mình như vậy nữa” - thuyền trưởng tàu 8003 kể.
Năm 2013, ông Lưu bị ung thư dạ dày phải lên Bệnh viện K điều trị. Nhưng do phát hiện trễ, bệnh đã quá nặng, bác sĩ lắc đầu, khuyên gia đình đưa về nhà, phải chuẩn bị tinh thần xấu nhất và chấp nhận. Trước khi đi công tác mấy ngày, anh đã về thăm bố. Thuyền trưởng tàu 8003 kể: “Khi ấy đang có vụ chìm phà Sewol (Hàn Quốc), bố tôi nhắc nhở: trách nhiệm người thuyền trưởng rất nặng nề, đặc biệt tàu này (tàu 8003 - PV) là tàu lớn. Con quản lý rồi phải đảm bảo an toàn cho tính mạng biết bao con người. Tàu là tài sản của quốc gia. Con phải thật cẩn thận, xử lý tốt các tình huống”.
Bố của thuyền trưởng Hưng năm nay 70 tuổi. Mẹ 68 tuổi, từng là thanh niên xung phong. Khi biết bệnh tình của bố, người con trai mà ông luôn nghiêm khắc nhất đã khóc rưng rức khi hát bài Nghĩ về cha. Từ khi ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, chưa lần nào anh hát bài này. “Khi xem trên tivi nghe bố dặn phải công tác tốt, hoàn thành nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, tôi hiểu bố thật tâm chứ không phải nói để tuyên truyền. Ở thời điểm đầu tình hình rất căng thẳng, tôi biết ở nhà bố rất lo cho tôi. Lúc đó bố đang bệnh nặng, rất yếu, phải truyền nước, không biết rõ ở ngoài này như thế nào nên lo lắng lắm... Khi ra đây, tôi tin rằng bố tự hào về tôi nhiều hơn là lo lắng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận