Nguyễn Lê Minh Chương (học sinh lớp 12L Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long), thủ khoa đầu vào ngành Kỹ thuật hình ảnh y học trong kỳ tuyển sinh năm 2024, đã được vinh danh tại lễ khai giảng vừa qua của Trường đại học Y Dược TP.HCM.
Nhưng anh tân sinh viên vẫn nặng trĩu nỗi lo việc học bị đứt gánh giữa đường.
Cha mẹ làm lụng còng lưng khi con vô trường danh giá
Khi mọi người chìm trong giấc ngủ, nhiều đêm trong căn nhà nhỏ ở ấp Thanh Thủy (xã An Phước, huyện Mang Thít, Vĩnh Long), vẫn nghe văng vẳng tiếng máy may. Hơn 2 tháng nay, bà Lê Thị Dương Tâm (45 tuổi, mẹ của Chương) suốt ngày ngồi chong đèn miệt mài làm việc bên chiếc máy may.
Bà Tâm tâm sự: "Vợ chồng tôi có đứa con trai duy nhất là thằng Chương. Cả nhà lâu nay sinh sống nhờ vào chiếc máy may này và tiền công lao động thuê của chồng tôi.
Nhìn mức học phí 46 triệu đồng/năm của Trường đại học Y Dược TP.HCM, nghe nói các năm sau sẽ cao hơn nữa, hai vợ chồng tôi xác định phải ‘cày’ nhiều hơn để kiếm thêm ít tiền, lo cho con ăn học được ngày nào hay ngày đó".
Ông Nguyễn Minh Triết (47 tuổi, ba của Chương), trước đây làm thợ hàn, thường làm việc tại các công trường ngoài trời, phải đối mặt với nắng mưa. Đến nay ông đã hai lần bị tai nặng lao động, gãy ngón trỏ bàn tay trái vào năm 2007 và một lần bị thương nghiêm trọng ở bàn chân trái vào năm 2019.
Do tiếp xúc với ánh lửa hàn nhiều năm, mắt ông nhìn không còn tỏ. Sức lao động giảm sút, ông không làm được việc nặng nữa.
"Giờ chồng tôi chỉ làm được mấy việc nhẹ, trong xóm ai thuê làm gì nấy. Hổm rày thằng Chương lên TP.HCM nhập học, ổng cũng chạy vạy khắp nơi để tìm việc làm kiếm thêm ít đồng nên ít khi ở nhà", bà Tâm cho biết thêm.
Mỗi ngày, bà Tâm làm việc cực lực lắm mới kiếm được 70.000 - 80.000 đồng tiền công may quần áo. Nhưng điều khiến bà lo lắng là sức khỏe của mình ngày càng giảm sút, đang mắc đủ bệnh bướu cổ cường giáp, bướu sợi tuyến, mắt bị cườm nước.
Cách đây ít ngày, bà phải đi bắn cườm mắt, thị lực giảm sút nhiều nên cũng ảnh hưởng lớn đến công việc may đo. Do vậy, thu nhập của gia đình cũng ngày càng ít đi.
"Ngày nào may mắn thì tui may được 2 bộ, kiếm được hơn 100.000 đồng tiền công. Còn chồng tôi nếu ai kêu đi làm thì có thêm được 250.000 đồng/ngày. Lúc thằng Chương đậu trường y, tui lo lắm, muốn nó ở quê học sư phạm cho đỡ chi phí.
Nhưng nghĩ lại hai vợ chồng tôi đều ít học, giờ con vào đậu thủ khoa vào trường y danh giá nên ráng chịu cực thêm chút... Chỉ mong con được học hành đến nơi đến chốn để đời nó không khổ như cha mẹ", bà Tâm nói.
Học sinh trường chuyên, chọn ngành y học hạt nhân, xạ trị để chữa tuyến giáp cho mẹ
Cậu học trò nước mắt rưng rưng khi nhắc đến ba mẹ: "Vì lo cho con ăn học mà ba mẹ tôi vất vả lắm". Nhà có 2 công đất trồng tắc để trang trải phần nào chi phí sinh hoạt. Ngoài giờ học, Chương thường miệt mài cắt tắc phụ giúp ba mẹ đến bong từng lớp da tay.
"Những trái tắc do chính tay ba tôi trồng như từng trái hy vọng, trái niềm tin mà ba mẹ dành cho tôi. Xác định học là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công, tôi luôn cố gắng để đạt kết quả tốt nhất có thể", Chương nói.
Hôm cầm giấy báo trúng tuyển đại học trên tay, tâm trạng Minh Chương vui buồn lẫn lộn với nỗi lo tiền đâu ăn học. Vì số tiền học phí và chi phí nhập học khá lớn, vượt quá khả năng của gia đình.
Dù đập ống heo lấy tiền tích cóp Chương nhận được từ tiền thưởng học sinh giỏi, học bổng suốt 3 năm phổ thông trường ở chuyên, cũng chưa đến một nửa số tiền phải đóng khi nhập học.
Nhưng cánh cửa đại học cuối cùng cũng hé mở với Minh Chương tin báo Trường đại học Y Dược TP.HCM sẽ được cấp học bổng toàn phần năm học đầu tiên cho thủ khoa ngành.
Đã nhập học được gần hai tháng, Chương bảo được ngồi trên giảng đường như một giấc mơ, nhưng hiện vẫn nặng trĩu nỗi lo việc học bị đứt gánh giữa đường.
Chương cho biết: "Điều khiến tôi lo nhất là cha mẹ ở quê sẽ thêm vất vả kiếm tiền lo cho tôi ăn học. Mẹ thường xuyên bị bướu cổ hành hạ, luôn khó thở và đau ngực. Trong khi sức khỏe của ba cũng không còn được như trước".
Cũng vì lo cho sức khoẻ cha mẹ, cậu học sinh trò chuyên lý lại yêu thích ngành y. Từ khi tìm thấy được ngành học yêu thích của mình như vậy, Chương đã phải bắt đầu lại từ số 0, vừa ôn thi học sinh giỏi vừa ôn luyện cho ước mơ học y của mình...
"Tôi học chuyên lý, nên không tự tin chọn ngành y khoa. Trong khi ngành kỹ thuật hình ảnh có chuyên ngành xạ trị, y học hạt nhân điều trị cho những người bị bướu cổ, tuyến giáp… Tôi muốn học ngành này để sau này chữa trị cho mẹ", Chương chia sẻ.
"Mong hỗ trợ một học sinh ưu tú để em phát huy tài trí"
Thầy Lê Trung Nhân - giáo viên chủ nhiệm của Chương suốt 3 năm tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Vĩnh Long) - kể về cậu học trò mình: "Hồi năm lớp 10, tôi đọc danh sách nhận lớp thấy thiếu em Nguyễn Lê Minh Chương. Tôi liên hệ gia đình mới biết mẹ Chương không cho học trường chuyên vì sợ lên thành phố ở xa nhà, tốn kém chi phí. Sau khi nhà trường vận động, bà Tâm mới cho con lên học trường chuyên".
Thầy Nhân đánh giá Chương là học sinh rất giỏi, nhất là khối tự nhiên, dù bạn có hoàn cảnh, điều kiện học tập không bằng các các bạn cùng trang lứa. "Suốt 3 năm tôi làm chủ nhiệm, Chương luôn là học trò tự lực vươn lên, chịu khó và là học sinh của đội tuyển học sinh giỏi tỉnh.
Em còn đạt được rất nhiều chứng nhận, giấy khen cấp tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn vật lý, giải nhất học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh, tham gia kỳ thi học sinh quốc gia năm học 2023-2024…).
Nghe tin học trò mình đậu thủ khoa Trường đại học Y Dược TP.HCM, tôi rất mừng. Mong mọi người hỗ trợ để em ấy tiếp tục phát huy tài trí, thay đổi cuộc sống và giúp ích cho xã hội", thầy Nhân nói.
Ông Lê Hồng Hải - bí thư kiêm trưởng ấp Thanh Thủy, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nơi Chương cư trú, cho biết gia đình em thuộc diện khó khăn, cha mẹ mất sức lao động.
"Trước đây, trong xóm không ai để ý đến Chương, nhưng sau này khi em học trường chuyên và tham gia đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh thì xóm giềng mới biết. Cha mẹ của Chương sống rất chuẩn mực. Do sức khỏe và tai nạn lao động nên gia đình thu nhập rất bấp bênh. Mấy lần tôi đi thu tiền thuế, phí hằng năm, mẹ em Chương mới tâm sự khó khăn.
Ở góc độ địa phương, tôi chỉ hỗ trợ được cho cháu vay vốn ngân hàng chính sách để đi học. Nhưng đối với ngành y dược, số tiền này cũng không thấm vào đâu. Tôi cũng mong mọi người, tổ chức nào đó giúp cho cháu nó hoàn thiện mơ ước. Vì cháu nó ham học
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phầntập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacamcòn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận