Dự án chống ngập ở TP.HCM được đầu tư theo hình thức PPP - Ảnh: Q.ĐỊNH
Chúng ta muốn Nhà nước và tư nhân cùng làm, trừ những việc mà Nhà nước phải nắm yết hầu của nền kinh tế như tiền tệ, quốc phòng, an ninh…, còn nói chung là nên huy động vốn tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Đó là nội dung được đưa ra trong dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và thảo luận tại tổ lần đầu tiên được Chính phủ chính thức trình Quốc hội ngày 11-11.
Trình dự thảo Luật PPP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc ban hành luật là cần thiết khi hiện nay mới có nghị định. Muốn thúc đẩy đầu tư PPP cần có khung pháp lý ổn định và để tránh tình trạng "vay mượn" các luật khác.
Lời, lỗ Nhà nước đều "chung vai sát cánh"
Khác với dự án đầu tư công, dự án PPP thường phức tạp, nhiều rủi ro và phải cam kết dài hạn với nhà đầu tư. Do đó, dự thảo luật đề xuất cơ chế hội đồng thẩm định các dự án PPP và tùy tính chất, quy mô đầu tư sẽ có các cấp hội đồng thẩm định, phê duyệt.
Với các dự án đầu tư công được bố trí vốn trong dự án PPP, Chính phủ kiến nghị sẽ hình thành quỹ phát triển dự án PPP hoặc hình thành dòng ngân sách riêng. Doanh nghiệp dự án PPP được thành lập cho mục đích duy nhất là thực hiện dự án PPP sẽ được phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng không được phát hành cổ phiếu đại chúng.
Đặc biệt, dự thảo cũng nêu ra cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư như điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng. Với dự án do Quốc hội, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện chia sẻ rủi ro trên cơ sở Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và cam kết; nhà đầu tư cũng cam kết chia sẻ lợi nhuận không thấp hơn 50%...
Cần cơ chế bảo vệ rủi ro cho nhà đầu tư
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng Hà Nam, bà Trần Thị Hiền (đại biểu Quốc hội Hà Nam) cho rằng các quy định liên quan đến tiêu chí kỹ thuật được đưa ra trong luật hiện vẫn không rõ ràng sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Hiện các thủ tục nhiều, triển khai chậm trễ nên với những doanh nghiệp không có nhiều tiềm lực sẽ gặp nhiều khó khăn. Cần làm rõ cơ chế giải quyết trong trường hợp đấu giá không thành công, với những vị trí không thuận lợi, đảm bảo sự bình đẳng cho doanh nghiệp.
Giải trình, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết với các dự án PPP, Nhà nước chỉ tham gia một phần, tập trung vào giải phóng mặt bằng, còn chủ yếu nhà đầu tư bỏ tiền. Ông công nhận: "Nhà nước không thể chuyển toàn bộ rủi ro sang tư nhân, vì nhiệm vụ công. Đòi hỏi thu hút vốn đầu tư tư nhân nhưng lại đẩy hết trách nhiệm và rủi ro sang thì nhà đầu tư sẽ không làm... Do đó, vấn đề là phải có cơ chế đảm bảo bình đẳng, an toàn, hấp dẫn, chứ cái gì cũng có lợi cho Nhà nước, chặt chẽ, rủi ro cho nhà đầu tư thì họ sẽ không tham gia".
Phát biểu tại thảo luận tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra thực tế là Nhà nước đều thấy sự cần thiết phải xã hội hóa, trong khi các nhà đầu tư đều hỏi rằng: "Các ông muốn chúng tôi làm, vậy có luật pháp gì không?". Theo Thủ tướng, hiện nay pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc nên nhà đầu tư chưa nhiệt huyết đầu tư vào Việt Nam. Do đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư vào Việt Nam sẽ rất tốt.
Cần ngăn ngừa khả năng lạm dụng
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cho rằng khi đã đấu thầu dự án PPP, ký hợp đồng thì khi doanh nghiệp tham gia phải chấp nhận cơ chế "lời thì ăn, lỗ phải chịu". Do đó, việc đòi bù doanh thu thì bất hợp lý và không công bằng. "Nếu bù doanh thu sẽ tạo ra sự khó xử sau này và nhà đầu tư có tư tưởng ỷ lại" - ông Bình cho biết và nói rằng chỉ ủng hộ việc bù doanh thu, nhưng đó là với các dự án đặc biệt.
Cùng quan điểm trên, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đưa ra quan điểm phải giám sát chặt chẽ. Bởi thực tế có những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu, nhưng cũng có những yếu tố lạm dụng rủi ro của PPP để mưu lợi.
Nhiều lĩnh vực kêu gọi đầu tư PPP
Dự án PPP được hiểu là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Phương thức đầu tư này thường là dài hạn, chi phí chuẩn bị đầu tư khá cao, và để hấp dẫn nhà đầu tư thì phải có quy mô đủ lớn, khác với hình thức "xã hội hóa" diễn ra đa dạng ở tất cả lĩnh vực với các dự án quy mô nhỏ...
Do đó, dự thảo đưa ra lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP gồm: giao thông vận tải; nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện; hệ thống cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; công viên; trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở công vụ; y tế; giáo dục, đào tạo, dạy nghề...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận