14/07/2017 11:43 GMT+7

Thu hút được 383 triệu USD, HEPZA vẫn lo giá đất cao

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Đặt chỉ tiêu cả năm 500 triệu USD, 6 tháng đã thu hút được hơn 383 triệu, nhưng HEPZA vẫn lo sức cạnh tranh yếu do giá thành thuê đất cao hơn so với các tỉnh trong khu vực.

Ngày 14-7, Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết 6 tháng đầu năm 2017, thu hút vốn đầu tư, kể cả cấp mới và điều chỉnh tăng thêm, đạt 384,32 triệu USD.

So với chỉ tiêu đề ra 500 triệu USD của cả năm 2017 thì con số này trong 6 tháng đã đạt 76,86 kế hoạch.  

Trong số đó đầu tư nước ngoài đạt 159,98 triệu USD, tăng 24,14% so với cùng kỳ năm 2016, còn đầu tư trong nước đạt 224,34 triệu USD, tăng hơn 52% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đứng đầu với 55,8 triệu USD, trong đó riêng dự án nhà máy thực phẩm của CJ Cầu tre đã chiếm 50 triệu USD.

Đứng thứ 2 là các nhà đầu tư Đài Loan, số vốn chủ yếu đến từ dự án linh kiện phụ trợ của ngành da giày của công ty Paiho, khoảng 34 triệu USD trong khi nhà đầu Nhật Bản đứng 3 với 5 dự án.

Về ngành nghề, các dự án tập trung vào ngành thực phẩm, phụ trợ dệt may, các ngành về dịch vụ và cơ khí.

Trong 6 tháng đầu năm, trong tổng số 71 dự án được cấp mới, có 7 dự án đã hoạt động, 10 dự án đang cải tạo nhà xưởng và 54 dự án đang khảo sát, lập thiết kế để xin giấy phép thực xây dựng.

Đáng lưu ý, có 10 dự án trong nước và 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, được các nhà đầu tư thực hiện chấm dứt dự án.

HEPZA đã chấm dứt hoạt động 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngưng hoạt động, và không còn liên lạc với nhà đầu tư.

HEPZA cũng đã từ chối những dự án cần quỹ đất lớn và sử dụng lao động đông, không phù hợp với mục tiêu thu hút đầu tư của TP.HCM.

Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Ban quản lý HEPZA, cho biết đang tìm cách tháo gỡ vướng mắc của các doanh nghiệp trong việc trả tiền thuê đất một lần để nhà đầu tư thực hiện kế hoạch triển khai các dự án đầu tư của mình.

Đại diện HEPZA cho rằng giá thuê đất cao do chi phí giải phóng đền bù mặt bằng chiếm tỷ lệ lớn là một nguyên nhân khiến thu hút đầu tư vào TP.HCM kém cạnh tranh hơn so với các tỉnh thành. 

HEPZA đang làm việc với các quận huyện để tiến hành làm việc với các khu công nghiệp đang triển khai giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, đồng thời xóa quy hoạch một số khu nhỏ và tập trung vào những khu lớn.

“Trước đây thành phố muốn rải các khu công nghiệp ở các quận, huyện với quy mô từ 100 - 200ha nên rất khó phát triển. Do đó, với tinh thần mới, HEPZA xóa ba khu nhỏ để thành lập một khu lớn có diện tích 500ha, giảm chi phí đầu tư hạ tầng”, ông Phước cho biết thêm. 

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp