Ông Đỗ Mạnh Bổng, viện trưởng Viện KSND TP.HCM, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Hội thảo do Viện KSND TP.HCM chủ trì với sự tham gia của các cơ quan Công an, TAND, Cục Thi hành án dân sự, Thanh tra TP.HCM cùng các viện kiểm sát cấp quận, TP Thủ Đức.
Kê biên nhiều, thực tế thu hồi thấp
Tại hội thảo, trung tá Nguyễn Minh Tâm - phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM - đưa ra số liệu từ năm 2016 đến 2020, cơ quan này đã khởi tố 46 vụ án với 123 bị can phạm tội tham nhũng, chức vụ với số tiền thiệt hại là 1.449 tỉ đồng.
Trong đó, cơ quan này đã kê biên, thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.196 tỉ đồng (đạt 82%), vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Trung tá Nguyễn Minh Tâm, phó trưởng Phòng PC03 Công an TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Trung tá Tâm dẫn chứng các vụ án mà cơ quan này kê biên tài sản với tỉ lệ khá cao, như vụ Alibaba với số tiền đã kê biên thu hồi tương đương 1.800/2.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, có những vụ án kê biên thu hồi tài sản với tỉ lệ không cao, còn nhiều khó khăn xuất phát từ nhân thân và phương thức thủ đoạn phạm tội.
Ông Đỗ Mạnh Bổng - viện trưởng Viện KSND TP.HCM - chỉ ra đến trước năm 2020, chưa năm nào TP thu hồi vượt qua 45% giá trị tài sản bị thiệt hại, riêng năm 2020 thu hồi được đến 60% tài sản trong vụ án Hứa Thị Phấn.
Trung tá Tâm phân tích thêm: Lý do tài sản kê biên nhiều mà thu hồi lại thấp, có việc trong khi bất động sản bị kê biên giá trị tăng lên theo thời gian thì động sản (ôtô, xe máy, tàu...) càng để lâu càng mất giá trị. Dẫn chứng cụ thể về vụ án Alibaba: 2 năm nay cơ quan điều tra đã kê biên nhiều ôtô, xe gắn máy của các cá nhân và tổ chức liên quan, nhưng các tài sản này càng để lâu càng giảm giá trị.
Ông Tâm đề nghị có quy chế phối hợp để xử lý sớm các tài sản này, đảm bảo các động sản bị kê biên không bị giảm giá trị.
Còn theo bà Nguyễn Quỳnh Lan - viện trưởng Viện KSND quận Gò Vấp (nguyên trưởng phòng 3 Viện KSND TP.HCM), có những vụ án khi kê biên tài sản là cổ phần, cổ phiếu có giá trị, đến giai đoạn thi hành án các cổ phần, cổ phiếu này mất giá nên việc khắc phục hậu quả giảm đi so với tài sản đã kê biên, xét xử.
Bà Lan đề nghị đưa thêm các cơ quan khác vào tham gia công tác định giá và xử lý tài sản sớm.
Tòa tuyên không rõ, thi hành án khó khăn
Ông Phùng Văn Hải - phó chánh án TAND TP.HCM - nêu tại hội thảo các số liệu về số vụ án, số tài sản thiệt hại và số tiền thu hồi được sau khi bản án có hiệu lực.
Dẫn chứng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Hải cho biết cơ quan tố tụng kê biên 35% giá trị tài sản là bất động sản mà bị cáo này đã dùng tiền phạm tội để mua. Tuy nhiên, tòa không đưa doanh nghiệp chủ dự án vào tham gia tố tụng khiến cho việc thi hành 35% tài sản này không thực hiện được do doanh nghiệp này khởi kiện độc lập.
Trong bản án dân sự này, tòa tuyên đồng ý để doanh nghiệp trả 35% giá trị tài sản này cho cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, Huyền Như lại kháng cáo dẫn đến việc thi hành bản án có hiệu lực từ năm 2014 đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Liên quan đến tài sản chung riêng đối với người phạm tội, ông Đỗ Mạnh Bổng dẫn chứng tòa ở Đà Nẵng đã mạnh dạn tuyên thu hồi 50% tài sản của người phạm tội nếu đó là tài sản chung và xác định tài sản của người phạm tội.
Án tham nhũng, kinh tế xảy ra ở khu vực nào?
Thống kê qua các vụ án kinh tế, tham nhũng tại TP.HCM, ông Đỗ Mạnh Bổng tổng kết, loại án này xảy ra trong 3 lĩnh vực: đầu tư dự án bất động sản; đầu tư vào động sản; đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, mua bán vàng bạc, ngoại tệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận